Mới đây, tôi được cậu bạn gầy tong teo (cao 1m67, nặng 45kg), sinh sống ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội vui mừng chia sẻ: “Mình vừa được tặng viên uống tăng cân SQA. Nghe nói, sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản, tốt lắm, có thể giúp người gầy tăng từ 3 – 8kg trong vòng 1 tháng...”.
Theo thói quen, tôi gõ mạng internet thử tìm hiểu về sản phẩm thì cả hai anh em chúng tôi đều tá hỏa bởi đây là dược phẩm đã bị cơ quan chức năng phát lệnh cấm kinh doanh cũng như lưu hành vào quý III/2019. Cụ thể, trong thời điểm vừa qua, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) – Bộ Công Thương đã có công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vi phạm đối với các cá nhân có kinh doanh sản phẩm viên uống tăng cân SQA do Công ty TNHH Infinity Beuaty Việt Nam (có trụ sở ảo ở Hà Nội) phân phối, cung cấp.
Đặc biệt, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho hay, sản phẩm “Tăng cân SQA” của Công ty TNHH Infinity Beuaty Việt Nam chưa được Cục An toàn Thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định. Còn theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), qua khai thác trong cơ sở dữ liệu điện tử đang lưu giữ tại Tổng cục Hải quan thì chưa tìm thấy thông tin nhập khẩu mặt hàng viên uống tăng cân cơ thể SQA hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng cân SQA trong thời gian gần đây (từ năm 2017 đến 30/6/2019).
Sản phẩm SQA được rao bán ngang nhiên trên một tài khoản mạng xã hội vừa qua
Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra lời cảnh báo, nhưng nhiều người bán hàng vẫn ngang nhiên chào bán sản phẩm viên uống tăng cân SQA trên mạng xã hội trong thời điểm vừa qua.
Đáng lưu ý, vì tin vào hiệu quả như quảng cáo nên rất nhiều khách hàng đã chấp nhận bỏ ra 850.000 đồng cho 1 hộp uống 30 ngày. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng thông thạo tiếng Nhật Bản đã phát hiện bao bì của sản phẩm này in sai lỗi chính tả. Ngay lập tức, họ yêu cầu các điểm bán giải thích cũng như xuất trình giấy tờ hợp pháp của sản phẩm tăng cân SQA và phát hiện sản phẩm chưa được cơ quan chức năng cấp phép công bố lưu hành.
Anh Nguyễn Công Chiến – một người tiêu dùng ở phố Chính Kinh, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Con gái của tôi học lớp 6, rất lười ăn và cháu có thể trạng thiếu cân vượt mức cho phép. Gần đây, cháu có đòi tôi mua sản phẩm mang tên SQA từ một tài khoản Facebook cá nhân. Tài khoản này không những quảng cáo SQA như một thần dược mà còn lấy cả ví dụ dẫn chứng cụ thể về các trường hợp đã dùng sản phẩm và tăng cân một cách hiệu quả, kèm theo hình thức bình luận kiểu “người tung kẻ hứng” để lôi kéo người mua. Tuy nhiên, các hình ảnh đăng người dùng trước và sau khi uống sản phẩm này không có sự xác thực nên tôi đã không thể chiều theo ý cháu. Đặc biệt, nhờ tìm hiểu cụ thể, mà tôi đã biết được cảnh báo của cơ quan chức năng về SQA. Điều này cũng giúp cho cháu nhà tôi thêm một bài học mỗi khi yêu cầu bố mẹ mua những sản phẩm mới mà không tìm hiểu kỹ càng…”.
Từ những thông tin và trường hợp cụ thể trên, cho thấy, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với sản phẩm SQA nói riêng và các sản phẩm tiêu dùng nói chung có thông tin quảng cáo như “thần dược, thuốc tiên, tính năng thần kỳ”,… Đặc biệt, khi mua hàng hóa, nhất là những dược phẩm, thực phẩm – sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, chúng ta cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ hay mọi thông tin có đáng tin cậy hay không, nhằm tránh rước họa vào thân cũng như sơ suất để mang nỗi bực dọc trong mình…
Nam Hà