Ai cũng biết rằng 3/3 âm lịch là Tết Hàn thực - một trong những ngày Tết chính của người Việt. Cứ vào dịp này, nhiều nhà thường đi mua hoặc cùng nhau nặn bánh trôi bánh chay để cúng tổ tiên.
Nhưng liệu mấy ai biết Tết Hàn thực xuất phát từ đâu và mâm cúng Tết Hàn thực gồm những gì?
Tết Hàn thực có từ đâu?
Xuất phát từ câu chuyện thời nhà Tấn ở Trung Quốc khi Tấn Văn Công không may đốt rừng thiêu chết trung thần phò tá mình 19 năm trời - Giới Tử Thôi.
Để tưởng nhớ Thôi, vua Tấn ban lệnh 3/3 - 5/3 âm lịch hàng năm dân phải kiêng đốt lửa, chỉ được ăn đồ nguội.
Dù không liên quan đến điển tích này của người Trung Quốc, nhưng người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng là món ăn nguội để thờ cúng tổ tiên, đất trời. Và vì thế, người Việt thường gọi mùng 3/3 âm lịch - Tết Hàn thực (ăn đồ ăn lạnh) là Tết bánh trôi bánh chay.
Vậy mâm cúng của Tết Hàn thực gồm những gì?
Theo truyền thống, mâm cỗ cúng dâng lên bàn thờ ngày 3/3 âm lịch này gồm hương, hoa, quả, trầu cau và 5 hoặc 3 bát bánh trôi cùng 5 hoặc 3 bát bánh chay.
Nhưng vì sao lại là 3 hoặc 5 bát bánh trôi, bánh chay? Lý do là bởi ông cha ta quan niệm số lẻ là số tâm linh.
Về mặt phong thủy, số lẻ tượng trưng cho may mắn (dương), còn số chẵn tượng trưng cho điềm xui (âm). Vì thế, người xưa thường dâng 3 bát hoặc 5 bát bánh trôi, bánh chay lên ban thờ nhà mình như thể hiện mong muốn cầu xin gặp được nhiều may mắn.
Ngoài ra, những đĩa bánh trôi, bánh chay tuy nhỏ nhưng tượng trưng cho những thức ăn nguội. Đó là sản vật từ mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên cũng như một lời cầu mong mưa thuận gió hòa.
Bên cạnh đó, việc nhiều người trong gia đình cùng quây quần sum tụ để cùng nhau nhào bột, nặn bánh cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt ta.
Theo Nhịp Sống Việt