Thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tại hội nghị cung cầu hàng hóa và đẩy mạnh an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2018 diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hàng hóa Tết đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội
Theo nhận định của ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, trong năm 2017, giá hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu nhìn chung không có biến động lớn. Thị trường hàng hóa thời điểm này đã có những hoạt động sôi động hơn để chuẩn bị cho những dịp lễ cuối năm như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch.
“Việc bảo đảm cung cầu hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán năm 2018 góp phần ổn định thị trường, giá cả, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá và cho rằng, để làm được việc đó, các địa phương cần chú trọng phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn, bảo đảm việc tiếp cận nguồn hàng tới mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là ở ngoại thành, các khu công nghiệp có nhiều công nhân, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tích cực đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, hàng hóa Tết nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội nhận định, trách nhiệm cung ứng hàng hóa Tết năm nay ngoài đảm bảo số lượng, chất lượng, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu công tác này không được tập trung quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sẽ có nguy cơ diễn biến phức tạp.
“Trên toàn địa bàn thành phố, chỉ cần 1 loại thực phẩm nào đó cung cấp tới người dân có vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc sẽ tạo ra phản ứng tiêu cực đối với người tiêu dùng, gây ra diễn biến biến phức tạp và khó khăn trong xử lý. Do đó, cần hết sức quan tâm đến diễn biến trong quản lý vệ sinh an toàn toàn thực phẩm”, ông Thăng nói.
Cũng theo ông Thăng, việc kết nối giao thương, cung ứng hàng hóa cần đảm bảo hàng hóa có chất lượng cao, số lượng đủ và rõ ràng về nguồn gốc. Đặc biệt cần có biện pháp ngăn chặn hàng lậu, hàng kém chất lượng qua con đường nhập khẩu, sản xuất hàng giả, hàng hàng không qua kiểm soát xâm nhập vào địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp thực phẩm “kêu” bị kiểm tra quá nhiều
Các doanh nghiệp cung ứng, chế biến và sản xuất hàng hóa, thực phẩm Tết đề xuất, cơ quan chức năng cần phải lắng nghe, thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về các vấn đề nguồn gốc hàng hóa cũng như an toàn thực phẩm. Từ đó nắm bắt vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường.
Theo ý kiến của bà Ngô Thị Tính, Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Bảo Minh, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững nhưng hiện nay chi phí đầu vào liên tục tăng gây khó khăn khi thực hiện sản xuất mặt hàng truyền thống. Mặt khác, khi đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp thường xuyên có thuế và phải viết hóa đơn, nhưng nguyên liệu đầu vào mua từ người nông dân doanh nghiệp lại không được hoàn thuế.
Chính vì thế, để bảo đảm bảo sản xuất thực phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần đầu tư quy trình sản xuất, công nghệ cao nhưng nguồn vốn cực kỳ khó khăn. “Những khó khăn này cần tháo gỡ, cần có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chế biến, sản xuất thực phẩm, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này về vốn, cơ sở hạ tầng, công nghệ cũng như thị trường phân phối sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm Tết”, bà Tính đề xuất.
Không hài lòng với việc có quá nhiều đoàn kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Trần Thu Hằng - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cho biết, thời gian qua, các đoàn kiểm tra tại doanh nghiệp về cơ bản đã có nhiều cải tiến mới về thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do doanh nghiệp là đơn vị cung cấp thực phẩm sạch vào các trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) nên thời gian qua vẫn có rất nhiều đoàn kiểm tra đến làm việc.
“Tháng trước vừa có đoàn kiểm tra về y tế, tháng sau doanh nghiệp lại có đoàn đến kiểm tra lĩnh vực khác. Riêng trong tháng 9 và tháng 10/2017, Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai kiểm tra chất lượng sản phẩm nhưng lại gây sức ép tới các trường gây sức ép cho doanh nghiệp. Trong 9 tháng năm 2017 đã có tổng số 20 đoàn kiểm tra về bếp, về thực phẩm gây ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp”, bà Hằng bức xúc cho biết.
Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ngoài sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng, sản xuất và chế biến thực phẩm, các cơ quan chức năng cần nâng cao công tác phối hợp tuyên truyền, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa.
Cùng với đó, các cấp, ngành cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng trong dịp Tết./.
Nguồn VOV