Người mua, người bán cùng gặp “khó”
Đã thành thói quen, sáng nay đi chợ, chị Nguyễn Kim Oanh (ở phường Đức Giang, quận Long Biên) lại tìm mua các loại củ, quả cho bữa cơm gia đình. Đây là cách để chị tránh “bão giá” khi nhiều loại rau xanh tăng giá "chóng mặt" mấy tuần qua.
“Trong khi bí xanh, bí non, mướp đắng, cà tím chỉ tăng giá chút ít thì rau muống, mùng tơi, rau ngót… tăng gấp đôi, gấp rưỡi nên tôi chọn mua củ quả để bớt gánh nặng chi tiêu”, chị Oanh nói.
Không chỉ người mua, người kinh doanh như anh Tô Tiến Hợp, chủ quầy rau quả tại chợ Phú Gia, quận Tây Hồ cũng phải tính toán nhiều hơn để duy trì việc buôn bán khi phải nhập rau củ với giá cao. Thời tiết mưa liên tục khiến rau màu bị úng nước, giập nát rồi lại gặp nắng nóng nên chậm phát triển.
Nguồn cung rau giảm, giá tăng, chi phí xăng dầu cũng neo cao nên dù không muốn, anh vẫn buộc phải tăng giá bán lẻ. “Giá rau cao, người mua cắt giảm chi tiêu nên tôi giảm lượng hàng đầu vào”, anh Hợp chia sẻ.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các chợ dân sinh trên địa bàn cho thấy, giá nhiều loại rau xanh, thực phẩm, hàng hóa hiện tăng cao từ 10% đến 40% tùy loại. Cụ thể, rau muống từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/mớ; rau ngót, mùng tơi, rau đay, cải xanh từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/mớ, mướp từ 18.000 đồng đến 22.000 đồng/kg; cà chua từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg…
Không chỉ vậy, tại các cửa hàng tạp hóa, giá mỳ tôm, dầu ăn… cũng tăng cao. Cụ thể, dầu ăn tăng từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng mỗi lít, trong đó, dầu ăn loại 1 lít của Neptune có giá từ 60.000 đồng đến 62.000 đồng/chai, dầu ăn Mezan từ 54.000 đồng đến 57.000 đồng/chai, tùy cửa hàng.
Theo chủ một quầy tạp hóa tại chợ Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa), giá mỳ ăn liền nhãn hiệu Omachi, Kokomi, Ba Miền đều tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/thùng; các loại nước mắm như Nam Ngư từ 40.000 đồng/chai lên 43.000 đồng/chai, Chinsu từ 35.000 đồng/chai lên 40.000 đồng/chai, Đệ Nhị từ 17.000 đồng/chai tăng lên 20.000 đồng/chai…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng không chỉ do giá xăng dầu tăng cao, mà còn bởi các nguyên phụ liệu đầu vào được nhập khẩu với giá tăng. Đáng chú ý, một số loại nguyên phụ liệu khan hiếm do đứt gãy nguồn cung bởi dịch Covid-19 hoặc căng thẳng địa chính trị.
“Ngoài ra, các chi phí đầu vào cũng tăng cao đã tạo ra hiệu ứng tăng giá nhiều mặt hàng. Và không loại trừ yếu tố “té nước theo mưa” khiến giá hàng hóa tăng cao”, ông Nguyễn Minh Phong nói.
Cần giải pháp mạnh hơn
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian tới, lạm phát có thể tăng cao, nhất là giai đoạn cuối năm. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc nỗ lực kìm giá hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu.
Thời gian qua, các hệ thống bán lẻ đã cho thấy vai trò khi bảo đảm nguồn hàng hóa dồi dào, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại, nhất là với hàng hóa thiết yếu, phần nào giảm áp lực lên chi tiêu, sinh hoạt của người dân.
Ghi nhận tại cửa hàng WinMart+ trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình), giá dầu đậu nành nguyên chất VinMart Good giảm còn 54.000 đồng/chai 1 lít, nước mắm Nam Ngư 500ml giảm còn 33.000 đồng/chai, giấy ăn giảm còn 10.000 đồng/gói…
Còn tại siêu thị BigC Long Biên, nhiều mặt hàng đang được giảm giá như: Nước mắm Hồng Hạnh 40 độ đạm giảm còn 65.900 đồng/chai 600ml; nước giặt Ariel 3,05 lít giảm còn 161.900 đồng/túi, sữa Milo giảm còn 17.000 đồng/lốc, sữa tươi Vinamilk giảm còn 6.300 đồng/túi…
Nhiều siêu thị nỗ lực kìm giá hàng hóa.
Trong khi đó, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Mặt khác, Sở cũng đẩy mạnh kết nối cung cầu, nhất là nguồn cung hàng hóa tại địa bàn nhằm hạn chế tối đa việc tăng giá.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, nhất là với các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.
Bộ Công Thương cũng tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước. Qua đó, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Cục tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về những yếu tố khách quan dẫn tới giá hàng hóa tăng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Đặc biệt, các bộ, ngành cần có giải pháp mạnh hơn nữa nhằm giảm bớt mức tăng thực tế của giá hàng hóa. Như với mặt hàng xăng dầu, cần giảm thêm các loại thuế, phí và giảm chi phí quản lý nhà nước để giảm tối đa mức tăng của giá xăng, từ đó giảm chi phí đầu vào của nhiều loại hàng hóa.
Ngoài ra, cần tìm kiếm thị trường cung ứng hàng hóa, nguyên liệu mới với mức giá rẻ hơn, hợp lý hơn để giảm giá thành các mặt hàng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cần có tính toán hợp lý để giảm giá thành sản phẩm.
Theo Hà Nội mới