Thứ Năm, 21/11/2024 19:41:02 GMT+7
Lượt xem: 651

Tin đăng lúc 06-05-2024

Cần kiểm soát nguồn gốc xuất xứ các loại trái cây lưu thông trên địa bàn Hà Nội

Trái cây là nguồn cung cấp vitamin và muối khoáng quan trọng cho cơ thể, vì ăn trực tiếp nên trái cây giữ nguyên được hàm lượng vitamin và khoáng chất; trái cây chứa nguồn chất xơ dồi dào rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đã kinh doanh trái cây kém chất lượng do sử dụng chất bảo quản, hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ… làm mất ổn định thị trường, gây ảnh hưởng sức khỏe con người.
Cần kiểm soát nguồn gốc xuất xứ các loại trái cây lưu thông trên địa bàn Hà Nội
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh trái cây

Trước thực trạng tiểu thương kinh doanh, buôn bán thực phẩm, trái cây tại các cửa hàng, xe lưu động đã gây không ít những khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); việc vận chuyển các loại thực phẩm, trái cây nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng làm cho người tiêu dùng khó phân biệt hàng hóa có đảm bảo VSATTP hay không?

 

Gần đây, Hà Nội đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch thực hiện công tác VSATTP đảm bảo sức khỏe cho người dân. Nhất là trong năm 2024, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các loại trái cây lưu thông trên địa bàn.

 

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, năm 2024, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là kiểm soát chặt chẽ đối với trái cây lưu thông trên địa bàn, kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng... Xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. UBND Thành phố giao cho các Sở, ban ngành, các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý các cơ sở, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng.

 

Mới đây, Đội QLTT số 9, Cục QLTT Hà Nội đã thu giữ 450 kg cam có xuất xứ từ nước ngoài tại địa chỉ số 9 Hồng Hà, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

 

Các chuyên gia về VSATTP cho rằng, việc sử dụng các chất bảo quản đúng cách, sẽ giúp kéo dài tuổi thọ sản phẩm tốt hơn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt, chất bảo quản thực phẩm tự nhiên hay chất bảo quản hoá học cũng có khả năng giúp thực phẩm duy trì tối đa hương vị và các dưỡng chất có bên trong, nhưng vẫn giữ lại tối đa giá trị dinh dưỡng, hương vị. Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo VSATTP là rất tốt cho sức khỏe con người, với hoa quả không rõ nguồn gốc, dùng chất bảo quản, bầm dập rất có hại cho sức khỏe.

 

Theo truyền thông đưa tin, một chương trình xét nghiệm của Chính phủ Anh đã kiểm tra các sản phẩm tươi sống được bán ở Anh, một số nhập khẩu từ nước ngoài có đến 95% dâu tây có chứa hóa chất vĩnh cửu (PFAS). Một số thực phẩm khác chứa chất độc bao gồm nho (61%), cherry (56%), cà chua (38%) và đào (38%). Hóa chất PFAS được sử dụng trong thuốc trừ sâu và đồ gia dụng như chảo chống dính, quần áo, mỹ phẩm, bao bì và bọt chữa cháy. PFAS là một họ gồm hơn 10.000 hóa chất, một số có thể không bao giờ phân hủy khi ở môi trường bình thường, hoặc cơ thể chúng ta, nếu chỉ tồn tại ở lượng nhỏ, PFAS sẽ không gây hại cho sức khỏe. Khi dư lượng đủ lớn, PFAS có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm ung thư, cholesterol cao, giảm chức năng thận, gây bệnh tuyến giáp, suy giảm khả năng sinh sản, ức chế hệ miễn dịch và sinh ra trẻ nhẹ cân. Người ta cũng lo ngại các hóa chất đó sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển hành vi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.    

 

Với quan điểm của người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Thư, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai chia sẻ: Khi mua hoa quả, người tiêu dùng như chị chỉ biết cảm nhận bằng cách chọn mẫu mã, mùi vị thơm của trái cây theo từng loại để mua dùng. Để phân biệt trái cây có bị ngâm chất bảo quản hay không thì không thể phân biệt được, cũng như tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ hoa quả nhập khẩu, việc này người tiêu dùng chủ yếu trông chờ vào cơ quan chức năng, bằng chuyên môn, nghiệp vụ sẽ phát hiện kịp thời mọi hành vi vi phạm về VSATTP và nguồn gốc xuất xứ.

 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Nếu sử dụng các phụ gia bảo quản không độc, nằm trong danh mục được phép sử dụng, với một hàm lượng trong ngưỡng cho phép đủ để cơ thể có thể đào thải ra ngoài thì không gây hại cho người dùng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, các chất bảo quản nên được sử dụng với nồng độ quy định không quá 0,1%. Nếu sử dụng thực phẩm có chất phụ gia bảo quản thực phẩm ở liều lượng cho phép, người tiêu dùng có thể an tâm rằng, các chất hóa học này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mình.

 

Tuy nhiên, việc các tiểu thương kinh doanh, buôn bán hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu trục lợi đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ông Thịnh mong muốn và kêu gọi các tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh buôn bán thực phẩm, trái cây… với tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng, không kinh doanh, buôn bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng các loại chất phụ gia gây hại cho sức khỏe con người, vì một cộng đồng thân thiện, lành mạnh. Với người tiêu dùng khi mua hoa quả nhập khẩu, không nên tham giá rẻ mà nên tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối nhằm tránh bị mắc lừa mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Công Chuyền


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang