Qua công tác nắm tình hình thực tế, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ-389) quốc gia nhận thấy, hiện nay, các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử nhằm thực hiện các hành vi sản xuất và buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thị trường, quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận.
Trong tháng 9/2020, các đơn vị thành viên BCĐ-389 thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 11 vụ đối với 12 đối tượng để điều tra dấu hiệu vi phạm, gian lận trong lĩnh vực kinh doanh thương mại.
Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), trong thời gian gần đây, người tiêu dùng đã khiếu nại về việc mua phải hàng nhái, hàng giả… trên các sàn TMĐT ngày một gia tăng. Tình trạng trên đang trở nên phổ biến khi người mua hàng qua các sàn TMĐT như Shopee, Lazada khi mua phải sản phẩm smartphone Trung Quốc nhái iPhone X, Oppo F11 Pro dưới dạng hàng chính hãng xách tay. Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại địa chỉ 27 Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty TNHH RELEX Việt Nam quản lý, kinh doanh đã rao bán gần 100 chiếc điện thoại di động Trung Quốc sản xuất nhái thương hiệu Samsung, NOKIA, VERTU...
Qua đó, BCĐ-389 quốc gia ban hành kế hoạch số: 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020, nhằm tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng liên quan: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử.
Nhằm thực hiện Kế hoạch số: 399/KH-BCĐ-389 của Ban chỉ đạo TW, BCĐ-389 Hà Nội đã và đang triển khai nhiệm vụ với mục đích, yêu cầu, giải pháp đề ra, cùng với các bộ, ngành, địa phương; Quán triệt các lực lượng chức năng phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo; Không bao che, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử; Chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; Tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, các website, mạng xã hội; Khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; Các hành vi vi phạm pháp luật khác khi sử dụng thương mại điện tử không thuộc phạm vi điều chỉnh của bản kế hoạch này.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố và lãnh thổ Việt Nam; Tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, phương thức, thủ đoạn… để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại... Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, Qua đó, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.
Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 01/11/2020 – 31/10/2023.
Công Vinh