*Đơn giản, dễ thực hiện
Tham gia thực hiện mô hình này, mỗi hộ dân được trang bị 2 thùng để phân loại rác, ngoài ra các hộ dân sẽ được cấp thêm chế phẩm vi sinh EM-Bokashi để ủ rác.
Theo giới thiệu của các cán bộ thực hiện dự án (thuộc sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bắc Ninh), tất cả rác thải sinh hoạt hàng ngày sẽ được phân loại thành rác hữu cơ và rác vô cơ. Trong đó các loại rác hữu cơ như: vỏ rau củ, cơm thừa… sẽ cho vào hố rác đào sẵn với kích thước dài, rộng khoảng 70 cm, sâu 1m để ủ.
Cứ sau một lớp rác hữu cơ dày khoảng 30cm (phân) thì rắc 1 lượt chế phẩm vi sinh EM-Bokashi. Sau đó khoảng chừng 30 ngày, rác sẽ phân huỷ thành phân hữu cơ thì lấp đất lên và có thể trồng cây trực tiếp trên đó.
Các loại rác vô cơ sau phân loại như túi nilon, nhựa… có thể thu gom để bán phế liệu, hoặc thu gom vào nơi tập kết được quy định tại khu dân cư.
Nhận thấy những tiện ích trong quá trình thực hiện, từ 160 hộ dân ở xã Song Giang làm thí điểm ban đầu, đến nay toàn xã đã có hàng trăm hộ tại 4/4 thôn triển khai thực hiện mô hình này.
*Thiết thực cho vùng nông thôn
Chi Nhị là thôn tiên phong đi đầu đăng ký thực hiện thử nghiệm mô hình. Chỉ sau một năm thực hiện, hiện 100% các hộ dân trong thôn thích thú với mô hình này. Lợi ích thiết thực mà hộ dân nào cũng nhận thấy là lượng phân hữu cơ rất hữu ích cho trồng rau, cây màu. Các loại cây trồng sử dụng phân này cho năng suất, chất lượng hơn hẳn so với phân bón hóa học. Ngoài ra, nhờ khâu phân loại rác thải, người dân còn có thêm một nguồn thu nho nhỏ từ bán phế liệu.
Khi người dân có biện pháp xử lý rác hiệu quả, môi trường trong thôn, trong xóm được cải thiện hơn hẳn so với trước đây. Công việc của các thành viên tổ thu gom rác cũng đỡ vất vả hơn nhiều. “Thôn có 700 hộ, trước kia mỗi tuần, chúng tôi phải thu gom, chở 7-8 tạ rác ra bãi. Nay đã giảm hơn một nửa, người dân cũng không vứt rác bừa bãi nữa. Chúng tôi đỡ công thu nhặt, vận chuyển, xử lý rác ở bãi tập trung”, đại diện tổ thu gom rác thôn Chi Nhị chia sẻ.
Từ việc phân loại, xử lý rác tại nhà, các tổ chức Hội, đoàn, đội xã Song Giang còn tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom xử lý vỏ chai, lọ, bao bì đúng cách, đúng nơi quy định, tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay cho phân bón hoá học… Nhằm làm sạch đồng ruộng, cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sau thành công từ mô hình thí điểm, Sở khoa học và công nghệ, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhân rộng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm vi sinh EM-Bokashi tại 445 hộ dân ở xã Đông Cứu (huyện Gia Bình). Sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh. Được biết, ngoài ủ rác, chế phẩm vi sinh EM-Bokashi còn có thể sử dụng trong khâu xử lý nước thải và bảo vệ môi trường khu vực chăn nuôi tại trang trại, các hộ gia đình.
Nguồn: monre.gov.vn