“Tổng sản phẩm trong nước Quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái – chỉ cao hơn quý I/2020, còn lại là mức tăng thấp nhất giai đoạn 2011-2023”. Đây là thông tin nổi bật trong bảng số liệu thống kê kinh tế Quý 1 vừa được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.
Đáng chú ý, trong đó nhiều chỉ số lâu nay là động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng ấn tượng thì nay đều giảm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay xuất nhập khẩu hàng hoá, còn chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng… khiến mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,5% rõ ràng đặt ra nhiều thách thức.
GDP Quý I chỉ tăng hơn 3,3% phản ánh 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, nền kinh tế đã chịu tác động mạnh bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này thể hiện rõ nét khi kim ngạch xuất khẩu Quý I chỉ ước đạt hơn 79 tỷ USD, giảm gần 12%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 75 tỷ USD, giảm 14,7%; các ngành công nghiệp chế biến chế tạo đều giảm. Thị trường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đang khó khăn hơn khi dư nguồn cung và nhiều rào cản thương mại đang được dựng lên.
Thứ hai, tốc độ tăng GDP phản ánh nội tại nền kinh tế đang có những bất cập. Không thể không nói đến bất cập trong quản trị dòng tiền, nếu quản trị dòng tiền tốt hơn, đã có thể tránh được những tác động tiêu cực tới thị trường trái phiếu như thời gian qua. Quản trị dòng tiền tốt hơn thì một số ngành như ngành xây dựng, bất động sản đã không bị ảnh hưởng xấu như giai đoạn vừa rồi.
Ngoài ra, việc tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% cũng cho thấy những thách thức với nền kinh tế giai đoạn tới, khi đây luôn được nhìn nhận là động lực tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm, rõ ràng, không hề dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, để đạt kịch bản tăng trưởng 6,5% năm là hết sức khó khăn. “Các quý còn lại của năm chúng ta phải đạt được hơn 7-7,5% trong tất cả các ngành kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động bất thường khi nhu cầu của các đối tác bên ngoài giảm, diễn biến thời tiết bất lợi, thiên tai và xung đột vũ trang phức tạp”, bà Hương diễn giải.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình cũng nhận diện những điểm sáng và phân tích để cộng đồng DN có động lực, đóng góp tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới. Dù vốn FDI tuy giảm nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được cam kết đầu tư từ các DN lớn quy mô toàn cầu. Nhiều nhóm DN từ các thị trường chất lượng như khối doanh nghiệp châu Âu đang mong muốn dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Gạo Việt Nam đang và sẽ tiếp tục duy trì thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, không chỉ giúp ổn định lương thực nội địa, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô mà còn xuất khẩu rất tốt.
“Vẫn có những điểm sáng khi khu vực nông-lâm-ngư nghiệp duy trì tăng trưởng; tốc độ phục hồi ngành du lịch tích cực; vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nhà nước vẫn tăng. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng là trụ cột của nền kinh tế. Trong bối cảnh ngành sản xuất, chế biến suy giảm nhưng tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức là bệ đỡ cho khu vực chính thức”, TS. Lê Duy Bình phân tích.
Để Việt Nam đảm bảo ổn định kinh tế, với cơ hội tăng trưởng tốt trong các quý tiếp theo, Chuyên gia kinh tế Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam tại TP.HCM khuyến nghị, Chính phủ nên tăng cường quản lý giá cả và tăng tính cạnh tranh để hạn chế sự tăng giá hơn của các sản phẩm và dịch vụ, từ đó giảm áp lực lên người tiêu dùng và DN.
“Cần tăng cường năng lực cạnh tranh, tối ưu hoá quy trình sản xuất nâng cao chất lượng hàng hoá sản phẩm. Để làm được điều đó các DN cần tăng cường chuyển đổi số để giảm giá thành. Nhà nước cũng cần đầu tư vào các hoạt động hỗ trợ tăng trưởng kinh tế lâu dài như hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu và phát triển công nghệ, logistics... là những tín hiệu lâu dài để giảm áp lực lạm phát”, ông Quý gợi mở.
Ở góc độ doanh nhân, DN, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam quan tâm số liệu 57.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4%; hơn 60.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với Quý I/2022. Mặc dù những con số này không phản ánh hết thực tiễn hoạt động DN, bởi trong kinh doanh sự chuyển đổi đầu tư của các doanh nhân là liên tục và mạnh mẽ. DN có thể rút lui khỏi thị trường ở lĩnh vực này nhưng lại chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác…Tuy nhiên, khi cả số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động và rút lui khỏi thị trường đều biến động theo chiều hướng xấu, sẽ “rất cần những chính sách hỗ trợ tích cực”.
“Những chính sách hậu Covid vẫn nên kéo dài để tăng sức sống cho DN, đặc biệt DNNVV vì chiếm 98% như chính sách tài khoá, ngân hàng. Du lịch nên mở rộng VISA để thu hút khách và có du lịch mới có công ăn việc làm, doanh thu ngành ăn uống tăng lên. Các ngân hàng đang giảm lãi suất cho các ngành ưu tiên là đúng hướng, nên tiếp tục giãn nợ, hoãn nợ và giảm lãi suất. Nên tiếp tục duy trì các chính sách từ cuối năm ngoái và Quý I năm nay”, ông Thân đưa quan điểm.
Các tổ chức quốc tế đã và đang đưa ra những nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023, với những dự báo tiếp tục tác động không thuận lợi tới kinh tế trong nước. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 1,7%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trước; Liên Hợp quốc dự báo đạt 1,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2022… Trên thế giới, giá nguyên nhiên vật liệu đã giảm nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phân cực trong quan hệ giữa các nước lớn đang gia tăng và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa Việt Nam…
Tuy nhiên, qua phân tích, kiến nghị và niềm tin từ các chuyên gia, doanh nhân cho thấy, nếu toàn nền kinh tế phát huy được những động lực vốn có, quản trị rủi ro hiệu quả hơn, Chính phủ rút kinh nghiệm để có thể linh hoạt hơn nữa trong điều hành giá, hiệu quả kinh tế Quý I vẫn có thể là nền tảng tốt, là điểm tựa để ổn định lạm phát cả năm ở mức Quốc hội đề ra là 4,5%, và đạt mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng 6,5% cả năm 2023./.
Theo Vov.vn