Thứ Sáu, 22/11/2024 22:02:16 GMT+7
Lượt xem: 2352

Tin đăng lúc 14-08-2017

Cần phải làm gì để phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam?

Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một trào lưu của các đô thị trên thế giới và Việt Nam cũng đang bước đầu tiếp cận. Vậy cần làm gì để thực hiện điều này?
Cần phải làm gì để phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam?

Các đô thị và chính quyền thành phố

 

Theo phân tích của Viện Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng, các khu đô thị là nơi tiếp xúc trực tiếp với các vấn đề và nhu cầu thường ngày của người dân cũng như đối mặt với những thách thức về quản lý thành phố. Sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan là yếu tố then chốt trong thành công của thành phố thông minh.

 

Theo đó, cơ quan quy hoạch đô thị có trách nhiệm thực hiện các dự án thành phố thông minh ở cấp thành phố nhờ vai trò quản lý việc lập quy hoạch và sử dụng đất trong phạm vi thành phố; xem xét về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong các dự án quy hoạch ngắn, trung và dài hạn.

 

Quản lý nền tảng của thành phố có khả năng tích hợp với các dịch vụ khác của thành phố, cũng như thu thập và phân tích dữ liệu; đảm bảo cho các tòa nhà, công trình, cơ sở và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn và thông minh hơn trong toàn bộ các thành phố; thực hiện các chương trình có sự đóng góp của người dân vào việc thiết kế và quy hoạch thành phố.

 

Dịch vụ an ninh và khẩn cấp: Nhiệm vụ chính là thực hiện các giải pháp làm gia tăng tính bền vững của thành phố thông minh. Để thực hiện điều này thì cần tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào việc hoạch định và các dịch vụ. Điều này góp phần tăng cường thông tin, đặc biệt là thông tin tức thời, cho phép các đơn vị thực hiện các dịch vụ này dự báo các rủi ro tốt hơn và có phản ứng nhanh hơn để hạn chế về các chi phí về tài chính, môi trường và nhân lực cũng như đẩy nhanh việc khôi phục lại bình thường đời sinh hoạt của thành phố và người dân. Các đơn vị này cần phối hợp với các đơn vị y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông và dịch vụ công cộng trong những trường hợp khẩn cấp.

 

Dịch vụ liên quan đến công dân: Các đơn vị thực hiện dịch vụ này phải đáp ứng đầy đủ mục tiêu nêu trên về việc trao đổi thông tin với công dân và tăng cường sự tham gia và đóng góp của công dân sống trong thành phố thông minh. Các đơn vị này phải đưa vào lộ trình xây dựng và áp dụng ICT các dịch vụ mới dựa trên nền tảng ICT để thúc đẩy tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí ở phạm vi thành phố. Đồng thời phải liên hệ với các đơn vị khác để thông tin, báo cáo cho công dân biết về các dự án đang được triển khai trong toàn thành phố.

 

Cơ quan quản lý về cơ sở hạ tầng và cơ quan quản lý về ICT: thành phố thông minh đòi hỏi cần có nhiều cơ sở hạ tầng mới, đặc biệt về công nghệ như mạng lưới truyền thông hoặc đồng hồ đo thông minh cho hạ tầng hệ thống nước và năng lượng hiện tại. Cơ quan này có vai trò quan trọng trong việc tích hợp các hệ thống khác nhau của thành phố với các công nghệ dựa trên nền tảng ICT.

 

Cơ quan quản lý môi trường: Một trong những trọng tâm của thành phố thông minh là hướng tới môi trường và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hiếm ở cấp độ thành phố. Cơ quan này phải thúc đẩy, phối hợp và đánh giá những hành động do các đơn vị khác thực hiện để đạt được mục đích đó.Các công nghệ ICT sử dụng cho thành phố thông minh sẽ giúp tối ưu việc quản lý nguồn lực.

 

Cơ quan quản lý giao thông vận tải: Đi lại là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với thành phố thông minh. Nhiều dự án triển khai thành phố thông minh liên quan trực tiếp đến cơ quan này. Mục tiêu của các dự án là phải xây dựng mạng lưới giao thông thông minh nhằm giảm thiểu ôi nhiễm và các tác động tiêu cực của môi trường và khí hậu.

 

Cơ quan quản lý tài chính: Gánh nặng tài chính là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi các thành phố phải có các mô hình kinh doanh đổi mới và tạo lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân, dựa trên các chỉ số KPI về hiệu quả bền vững. Đổi mới cũng liên quan đến vấn đề thu thuế, chú trọng thuế thu nhập cá nhân tạo sự thay đổi trong ý thức của người dân. Các ứng dụng và hệ thống ICT là công cụ tuyệt với để cải thiện hiệu quả cho các hoạt động tài chính. Các dự án thành phố thông minh mới phải tác động lên hiệu quả về mặt tài chính theo hướng tích cực.

 

Cơ quan quản lý tư pháp: Cơ quan này chịu trách nhiệm thiết lập khuôn khổ pháp lý và thực thi nhằm đảm bảo cho sự phát triển các dịch vụ mới của thành phố thông minh. Do vậy cơ quan này là các đơn vị pháp lý này phải hiểu và thiết lập tầm nhìn mới mà thành phố thông minh phải có.

 

Cơ quan quản lý nước: Trách nhiệm của cơ quan này là thực thi quản lý nguồn tài nguyên nước một cách thông minh và bền vững, đảm bảo các cư dân hiện tại và tương lai có thể tiếp cận các dịch vụ nước và vệ sinh.

 

Các bộ ngành liên quan trực tiếp đến thành phố thông minh

 

Đối với các đô thị, sẽ có các đơn vị hoặc bộ ngành khác nhau, có liên quan trực tiếp đến thành phố thông minh. Cụ thể ở Việt Nam có các bộ, ngành liên quan như sau:

 

Bộ Thông tin và Truyền thông: Đây là cơ quan phải giải quyết triệt để các thách thức về tạo dựng hay sửa đổi các chính sách liên quan đến việc triển khai cơ sở hạ tầng và do đó cơ quan này có vai trò quyết định trong việc phát triển thành phố thông minh.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ: Cơ quan khởi xướng hoặc thúc đẩy việc nghiên cứu về thành phố thông minh gắn với các chương trình nghiên cứu công nghệ cao.

 

Bộ Tài nguyên Môi trường: Đảm bảo các hành động do các bộ khác thực hiện đều hướng tới một quốc gia bền vững hơn dựa trên các công nghệ mới về công nghệ thông tin và truyền thông. Đồng thời, theo dõi và đo lường thực trạng hiện tại cũng như những cải tiến đạt được. Cuối cùng là tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển bền vững, đôi khi triển khai, phối hợp cùng với các bộ, ngành khác như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương. Ngoài ra, cần đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào các chương trình biến đổi khí khậu ở cấp trung ương và địa phương.

 

Bộ Công Thương: Một số chương trình có liên quan như: lưới điện thông minh, lưới điện, hệ thống thu tiền điện tự động ... Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tập trung triển khai xây dựng và triển khai khai thác lưới điện thông minh trong phạm vi cả nước. Bộ Công Thương cần xây dựng các chính sách thúc đẩy và điều tiết việc nâng cấp mạng lưới năng lượng thông minh và hiệu quả hơn.

 

Bộ Y tế: Bộ Y tế có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn cho bệnh nhân đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động trong khuôn khổ thành phố thông minh. Ngoài ra, có các giải pháp công nghệ như “sức khỏe điện tử”, trong đó bao gồm các giải pháp như dịch vụ y tế từ xa, hệ thống thông tin y tế hoặc ứng dụng y tế trên điện thoại thông minh, ứng dụng mã số mã vạch trong điều trị và chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý thuốc và các dịch vụ y tế khác. Do vậy, Bộ Y tế cũng thu được lợi ích thông qua thành phố thông minh, ví dụ như đồng bộ hóa dữ liệu và hoạt động với các đơn vị khác vừa để phản ứng nhanh chóng với tình trạng khẩn cấp cần đến các nguồn lực y tế và vừa để cảnh báo, báo động các dịch vụ khẩn cấp trong trường hợp đại dịch.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Các giải pháp công nghệ cũng giúp Bộ cải thiện các dịch vụ giáo dục và đào tạo, nhất là e-Learning. E-learning rất hữu ích cho trẻ em không thể đi học hoặc người lớn có thể dễ tiếp cận với hình thức học tập lâu dài.

 

Bộ Giao thông Vận tải: Mặc dù việc di chuyển trong đô thị thường là trách nhiệm của chính quyền từng thành phố, nhưng chính quyền địa phương và trung ương phải đảm bảo sự kết nối tốt giữa các thành phố và thị trấn cũng như các điểm đến quốc tế.

 

Bộ Công an: Đây là cơ quan đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội, chịu trách nhiệm giám sát và có trách nhiệm cuối cùng đối với việc thực thi luật pháp hàng ngày. Bộ Công an phải đảm bảo an toàn và an ninh cho thành phố cũng như ứng phó tình trạng khẩn cấp dựa trên việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông.

 

Cùng với đó, các đơn vị cung cấp tiện ích; Các công ty viễn thông, phần mềm và khởi nghiệp; Các tổ chức phi chính phủ; Các tổ chức đa phương; Các hội, hiệp hội công nghiệp; Các học viện và cộng đồng khoa học; Các tổ chức xã hội, dân sự; Các công ty tư vấn chuyên ngành; Cơ quan tiêu chuẩn hóa cũng là những “chìa khóa” không thể thiếu trong việc triển khai thành phố thông minh.

 

Nguồn VietQ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang