Chủ Nhật, 24/11/2024 00:18:54 GMT+7
Lượt xem: 891

Tin đăng lúc 25-11-2020

Cần quản lý chặt hàng xách bằng chính sách phù hợp, để lành mạnh hóa trị trường kinh doanh

Hàng xách tay cũng có thể được coi là bán hàng nhập lậu. Từ ngày 15/10/2020, hành vi này sẽ bị phạt lên đến cả trăm triệu đồng. Nhận thức cũng như thói quen của người tiêu dùng không dễ thay đổi, việc xử phạt liệu có khả thi hay không? Cơ chế nào thúc đẩy hàng nhập khẩu chính ngạch nhằm lành mạnh hóa thị trường kinh doanh?
Cần quản lý chặt hàng xách bằng chính sách phù hợp, để lành mạnh hóa trị trường kinh doanh
Điện thoại Iphone 12 xách tay không có giấy tờ đầy đủ sẽ bị xử phạt theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020

Gõ nhanh cụm từ hàng xách tay cộng tên một sản phẩm chức năng, hàng trăm kết quả, hàng trăm tên miền được hiện ra trên Google với giá khác nhau. Khi tra ngược lại sản phẩm này trong danh sách các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam thì đã có một đơn vị nhập khẩu chính ngạch từ 10 năm nay. Đại diện đơn vị này cho biết: Đã phải làm việc với hãng mẹ của sản phẩm này tại Đức. Về thị trường hàng lậu, hàng xách tay thì hàng nhập khẩu chính ngạch này hiện đang có giá cao hơn gần 100 ngàn đồng so với các sản phẩm hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Đơn vị này cũng cho biết, hàng xách tay, hàng lậu đang ảnh hưởng rất lớn đến đơn vị nhập khẩu, nhưng biết mà không làm gì được và nếu mua online dễ dàng thì mua trực tiếp còn dễ dàng hơn cả.

 

Việc kinh doanh hàng xách tay không phải là mới, rõ ràng nó xuất phát từ một nhu cầu thực, có cung thì mới có cầu và ngược lại, vậy cụ thể hành vi bán hàng xách tay như thế nào thì bị coi là hành vi bán hàng nhập lậu?

 

Theo ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường: Theo quy định của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hàng hóa do nước ngoài sản xuất trong quá trình kiểm tra nếu không xuất trình được giấy tờ thủ tục theo quy định thì sẽ bị coi là hàng hóa nhập lậu.

 

Với thực tế hàng xách tay “nở rộ” trong thời gian vừa qua, người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, làm thế nào để có một lượng lớn hàng xách tay như vậy có thể ồ ạt vào Việt Nam và có xu hướng ngày càng gia tăng? Đây là một thực trạng trong nền kinh tế số, trong thời đại công nghệ 4.0, từ các kênh online khi người bán hàng thu thập thông tin được từ nhu cầu của người tiêu dùng, thông qua các trang Website, Zalo, Facebook và từ đó người ta thu gom hàng hóa từ nước ngoài thông qua con đường vận chuyển hàng không, đường biển để vận chuyển hàng hóa trái phép vào Việt Nam.

 

Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử là một “mảnh đất màu mỡ”, các cơ quan chức năng cũng ráo riết kiểm tra, quyết liệt thu thuế kinh doanh online, nhưng dường như chưa tạo được chuyển biến đáng kể. Đây là một vấn đề khó khăn, bởi, hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam chưa theo kịp với mô hình mới, người mua và người bán có thể trực tiếp giao dịch với nhau thông qua hệ thống internet. Việc lựa chọn hàng hóa, đặt hàng, mua hàng, nhất là thông qua các dịch vụ chuyển phát bưu chính hiện nay đang rất thuận tiện, nên các hành vi kinh doanh hàng hóa xách tay nói riêng và hàng hóa nhập lậu nói chung còn nhiều bất cập xảy ra. Khi phát hiện, xử lý các trường hợp này gặp nhiều khó khăn do các đối tượng kinh doanh dưới nhiều hình thức cá nhân thường tập kết hàng hóa tại nhà, nơi ở, cất giấu tang vật nên rất khó khăn cho cơ quan kiểm tra.

 

Nghị định 98/2020/NĐ-CP là Nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung của Nghị định 85/2013/NĐ-CP, trong đó, đáng chú ý là tăng mức xử phạt các hành vi theo hướng tăng nặng, từ mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng lên 500.000 đồng và mức cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, hàng hóa vi phạm được coi là hàng lậu và bị tịch thu, trong đó ghi rõ, loại hàng xách tay được xác định là hàng lậu với các điểm sau: Là hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Không có giấy phép nhập khẩu, hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện; Không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan theo quy định hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa; Không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; Không có tem dán vào hàng hóa hoặc tem nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

 

Theo TS. Nguyễn Hồng Quân – Chuyên gia quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại Thương Hà Nội: Trong quá trình Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, gần đây có Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, thì chắc chắn sẽ có sự phối hợp cũng như hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu, họ đưa ra các quy định, điều kiện để những doanh nghiệp phải tuân thủ. Nếu hiện tượng đó xảy ra sẽ là một bức tranh xấu cho thị trường Việt Nam trong bối cảnh đó. Do vậy, lần này chúng ta xác định hàng nhập lậu và xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí nếu gây nguy hại cho người tiêu dùng thì có thể bị xử lý hình sự về tội hàng nhập lậu qua biên giới, đây là một hành lang đặc biệt, một chế tài đủ mạnh đối với hàng xách tay.

 

Cũng phải thừa nhận một thực tế là, bán xách tay online hiện nay là một nguồn thu chính của rất là nhiều người, việc chuyển đổi ngay sang một nghề khác không phải là câu chuyện dễ dàng. Theo quy định của luật pháp Việt Nam, khi chúng ta tham gia hoạt động kinh doanh thì phải có đăng ký kinh doanh, có thể là kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp, hoặc hộ kinh doanh và các hình thức khác theo pháp luật quy định. Đây là bước đầu tiên của những người kinh doanh chân chính, sau đó đến bước kê khai nộp thuế với cơ quan thuế. Có thể thấy, tại sao hàng hóa xách tay lại rẻ hơn hàng nhập khẩu chính ngạch bởi vì không phải nộp thuế, đây cũng là chủ trương của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài có những sản phẩm mang về nước sử dụng cho cá nhân. Nhưng nếu như trong trường hợp hàng hóa đấy không sử dụng cho mục đính cá nhân mà sử dụng cho mục đính thương mại, mang ra kinh doanh để kiếm lời thì phải có nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.

 

Để giải quyết vấn đề này tận gốc, có nhiều ý kiến cho rằng, phải làm sao hàng nhập khẩu chính hãng phải rẻ hơn, các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp phải giảm thì khi đó người tiêu dùng có sự lựa chọn. Tuy nhiên, có những mặt hàng phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt, chẳng hạn những mặt hàng xa xỉ như: Mỹ phẩm, thiết bị điện tử cao cấp là những mặt hàng mang về nhiều, bởi vì, nó nhỏ gọn nhưng giá trị lớn, giá trị chênh lệch có thể lên đến hàng triệu, hoặc hàng chục triệu đồng đối với một sản phẩm, gây thiệt thòi cho những doanh nghiệp nhập khẩu làm ăn chân chính.

 

Việt Nam đã bước vào thực hiện những Hiệp định thương mại tự do quan trọng – một sân chơi lớn với những luật chơi nghiêm ngặt, mọi sự canh tranh thiếu bình đẳng trong thị trường sẽ đều khiến cho bức tranh môi trường kinh doanh của Việt Nam mất đi lợi thế, thậm chí đối diện với kiện tụng quốc tế. Xử phạt hành chính mới chỉ là giải pháp, còn để ngăn chặn tận gốc cần có một chính sách phù hợp để các cá nhân mong muốn kinh doanh phải chủ động kinh doanh bài bản và có trách nhiệm.

 

Công Chuyền


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang