Chủ Nhật, 24/11/2024 01:02:23 GMT+7
Lượt xem: 1584

Tin đăng lúc 29-08-2018

Cần sớm chuẩn hóa thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã và đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc khi sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã sản phẩm, mà còn gồm cả thông tin liên quan quá trình tạo ra sản phẩm.
Cần sớm chuẩn hóa thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Với yêu cầu ngày càng cao trong việc minh bạch thông tin hàng hóa, truy xuất nguồn gốc được coi là giải pháp tất yếu

Tuy nhiên, chính sách quản lý truy xuất nguồn gốc (TXNG) chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hiện chưa hiểu hết ý nghĩa, chưa hiểu đúng bản chất của vấn đề truy xuất.

 

Việc sử dụng tem TXNG trên sản phẩm ngày càng phổ biến, người tiêu dùng (NTD) và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, qua đó nâng cao uy tín của sản phẩm có gắn tem TXNG. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều NTD chưa hiểu đúng giá trị cũng như nguyên lý của tem TXNG hoặc chưa quen cài đặt, sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để quét, tra cứu thông tin TXNG. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ gặp khó khăn khi tự nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống TXNG cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.

 

Dẫn ra hàng loạt các bất cập của phương thức truy xuất nguồn gốc cũ, bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cofidec chỉ rõ, tính trung thực của dữ liệu truy xuất nguồn gốc hiện tại vẫn chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống. Nguyên nhân nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời.

 

Bên cạnh đó, cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ nên dễ phát sinh sự nhầm lẫn, thay đổi thông tin. Hệ quả là các khách hàng nhập khẩu lẫn doanh nghiệp trong nước phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tài chính để kiểm soát hệ thống truy xuất nguồn gốc truyền thống.

 

Ngoài ra, các loại tem truy xuất nguồn gốc này còn dễ bị làm giả, sao chép, khiến người tiêu dùng không hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ. Hơn nữa, các DN Việt Nam đặc biệt là các DN nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.

 

Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cách đây ít năm, khái niệm truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại còn xa lạ. Nhưng đến nay, nhiều thị trường như EU, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Trung Quốc... đã đưa ra yêu cầu rất ngặt nghèo trong sản xuất, thương mại, trong đó vấn đề truy xuất nguồn gốc đặt ra ở một mức cao hơn nhiều.

 

Đặc biệt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến, tính ứng dụng thực tiễn cao như công nghệ đám mây, blockchain, do đó, truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế thời đại. Truy xuất nguồn gốc điện tử từ quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến các mặt hàng nông sản, thủy sản... đã được các doanh nghiệp quan tâm.

 

Ông Lê Đại Dương, Giám đốc Công ty Ishopgo cho rằng, thị trường Việt Nam nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, chính vậy niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm Việt rất thấp. Hiện có nhiều đơn vị làm truy xuất nguồn gốc, nhưng thực tế chưa phải truy xuất nguồn gốc mà mới chỉ cung cấp thông tin sản phẩm. Đa phần ai thích thì làm, mà vẫn chưa có quy định rõ ràng về truy xuất.

 

Các chuyên gia nhấn mạnh, trong hệ thống TXNG, tem TXNG là yếu tố quan trọng, định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong chuỗi cung ứng. Nhưng quy trình TXNG mới là yếu tố bảo đảm thành công và độ tin cậy của một hệ thống TXNG. Thực tế hiện nay, không ít DN đang tự làm tem và công bố thông tin mà không được tổ chức nào chứng nhận, kiểm chứng. Nếu DN tự nhập thông tin TXNG lên hệ thống thì họ có thể điều chỉnh được thông số sản phẩm, việc thông tin sản phẩm không chính xác hoàn toàn có thể xảy ra. Để bảo đảm độ tin cậy của thông tin, rất cần một đơn vị độc lập cung cấp công cụ thông tin cũng như cần một “bên thứ ba” xác định nguồn gốc sản phẩm, làm “trọng tài” giữa NTD và DN.

 

Một vấn đề khác, khi TXNG hàng hóa, yêu cầu quan trọng hàng đầu là xác định đúng thời điểm ghi nhận thông tin đó. Nhưng hiện nay, nhất là hàng nông sản, thủy sản, phương pháp TXNG chủ yếu được thực hiện thủ công, nông dân, ngư dân ghi chép sổ sách bằng tay rồi cung cấp cho DN và họ sử dụng lại, tạo thành thông tin truy xuất hàng hóa. Do vậy, dẫn đến khả năng ghi thông tin sai lệch, chưa chính xác, thậm chí không đúng sự thật.

 

Với đòi hỏi ngày càng cao về TXNG, yêu cầu thông tin được cập nhật chính xác, kịp thời đến từng giờ từng phút, việc sử dụng công nghệ thông tin, truy xuất bằng điện tử là xu thế tất yếu.

 

Hiện nay, việc truy xuất hàng hóa chung theo luật đã có, nhưng áp dụng TXNG bằng điện tử vẫn đơn thuần mang tính tự nguyện, động viên DN áp dụng. Với yêu cầu mới ngày càng khắt khe của thị trường, áp dụng TXNG hiện đại, tự động trên nền tảng công nghệ, dù chi phí cao, vẫn phải làm càng sớm càng tốt.

 

"Cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang lưu thông trên thị trường trong nước cũng như xuất nhập khẩu. Đơn vị nào đảm bảo truy xuất nguồn gốc mới được phát hành tem truy xuất nguồn gốc", ông Lê Đại Dương đề xuất.

 

Ông Dương cũng nhấn mạnh, việc truy xuất nguồn gốc không phải là dán tem đơn thuần mà cần phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc làm theo chuỗi tức toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm đó, có cơ sở đảm bảo thông tin minh bạch.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và đang trình Chính phủ Đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc với mục tiêu cụ thể là: Triển khai thực hiện việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với 3 nhóm sản phẩm, hàng hoá trong nước: 1- Nhóm các sản phẩm y tế; 2- Nhóm sản phẩm nông sản thực phẩm; 3- Nhóm sản phẩm công nghiệp nhẹ.

Bên cạnh đó, xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và vận hành sử dụng. Nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, lập kế hoạch thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đến người dân và các đối tượng thuộc mọi thành phần tham gia kinh doanh, cơ quan nhà nước có chức năng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá về hoạt động truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chủ động áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

 

Theo Vietq


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang