Theo ông Nguyễn Bình An, Tổng Thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, nếu so sánh giá sợi Trung Quốc với giá sợi Việt Nam thì sợi sản xuất tại Việt Nam rẻ hơn. Bởi với giá nguyên liệu mua vào khoảng 21.000 – 24.000 đồng/kg xơ; chi phí nhân công của Việt Nam thấp hơn nhiều, khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg so với 11.000 – 14.000 đồng/kg của Trung Quốc; chi phí tiền điện trong nước chỉ bằng 50% so với Trung Quốc; Máy móc trong ngành sợi của cả hai nước có hiệu suất tương đương nhau. Cộng với các chi phí chung khác… thì tổng đầu vào cho sản xuất 1kg sợi từ 42.000 – 48.000 đồng. Thế nhưng, sợi Trung Quốc nhập về Việt Nam và được chào bán tại các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh chỉ với mức giá bằng 2/3 so với giá trong nước.
Nói về nguyên nhân “chảy ngược dòng” này, ông An chia sẻ thêm, bắt đầu từ năm 2016, nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi của Trung Quốc được thành lập tại Việt Nam, cộng thêm mạng lưới bán hàng cơ động bằng cách thuê sinh viên đến từng doanh nghiệp, hộ dệt vải ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước chào hàng với giá rẻ. Ban đầu các đối tượng bán giá rẻ hơn từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, nhưng hiện nay, mức giá được chào bán với giá rẻ hơn các doanh nghiệp bông sợi Việt Nam lên tới 8.000 – 10.000 đồng/kg. Điều này đặt ra những nghi vấn về chất lượng của sản phẩm (!?).
Ngoài ra, nếu như sợi bị cho là có dấu hiệu trốn thuế nhập khẩu, thì mặt hàng vải thành phẩm đang có biểu hiện của sự trốn thuế VAT, mập mờ trong nguồn gốc xuất xứ và thành phần khi buôn bán trên thị trường nội địa. Bởi một mét vải thành phẩm bán ra tại thị trường nội địa phải mất chi phí sản xuất tối thiểu từ 50.000 – 60.000 đồng, nhưng thông qua khảo sát của phóng viên cho thấy, giá bán vải Trung Quốc cho tiểu thương tại các chợ vải Đồng Xuân, Ninh Hiệp (Hà Nội), chợ Kim Biên, Soái Kình Lâm, Đại Quang Minh (Tp. Hồ Chí Minh),… chỉ từ 7.100 đồng/mét. Qua đó, khiến các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi.
Trước những kiến nghị từ các doanh nghiệp sản xuất vải, sợi trên địa bàn Hà Nội về sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho biết: Cục sẽ kiến nghị Tổng cục Hải quan đưa mặt hàng sợi vào danh mục hàng hóa quản lý rủi ro về giá để tăng cường công tác kiểm tra từ khâu nhập khẩu, còn trước mắt, Cục sẽ tăng cường kiểm tra xác suất với nhóm các mặt hàng sợi nhập khẩu. Đối với hiện tượng trốn thuế VAT, ngành Hải quan Hà Nội sẽ chuyển thông tin sang Cục thuế Hà Nội và các địa phương, cơ quan quản lý thị trường của các Sở Công Thương để cùng phối hợp xử lý.
Từ thực trạng trên cho thấy, các cơ quan chức năng, cũng như các doanh nghiệp sản xuất bông, vải, sợi cần tăng cường công tác nâng cao chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, đấu tranh mạnh mẽ với những dấu hiệu gian lận thương mại nói trên để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Anh Tuấn