Phương thức chủ yếu được các đối tượng sử dụng là đăng các quảng cáo với lời lẽ hấp dẫn, hút khách trên mạng xã hội (Facebook, Zalo), đánh vào lòng tham của nhiều người hám lợi.
Tiền giả được quảng cáo là giống tiền thật đến 99%, tiêu thoải mái, không sợ bị phát hiện. Khi tiến hành giao dịch, người mua sẽ phải gửi tiền vào tài khoản trước cho đối tượng. Tuy nhiên, sau khi đã thanh toán xong, đối tượng sẽ cắt liên lạc và không chuyển tiền giả như đã hứa hẹn.
Điều đáng nói là các tài khoản Facebook, Zalo đều được lập với tên giả, tài khoản ngân hàng lại đăng ký bằng CMND giả, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Các đối tượng rao bán tiền giả thực chất đang thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công an TP. Hà Nội cho biết, việc mua bán tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015 với tội danh làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả.
Theo tìm hiểu riêng của phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, thị trường tiền giả khá tấp nập. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều trang web và tài khoản mạng xã hội rao bán tiền giả công khai.
Một chủ tài khoảng Facebook rao bán tiền giả trên mạng quảng cáo rằng những tờ tiền này được làm bằng polymer 100%, giống thật đến 90% và không thể phân biệt bằng mắt thường. Mệnh giá quy đổi là 1 triệu tiền thật đổi 12 triệu tiền giả tùy từng nơi.
Tuy nhiên, công an Hà Nội cho biết, trên thực tế, rao bán tiền giả chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Thực chất các đối tượng không có tiền giả để giao dịch. Do đó lực lượng chức năng khuyến cáo khi gặp những đối tượng này, người dân hãy thông báo ngay cho cơ quan công an gàn nhất hoặc cung cấp thông tin qua trang Facebook Công an thành phố Hà Nội để được hỗ trợ.
Phương Văn