Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước mới được ban hành với nhiều nội dung mới đặt ra vấn đề cần thiết phải rà soát các quy định về hành vi vi phạm hành chính có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 20/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15, có hiệu lực từ 01/7/2024, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.
Trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 20/6/2023 có một số nội dung sửa đổi, bổ sung về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp, do đó cần thiết phải rà soát chỉnh lý các quy định hành vi vi phạm về kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất.
Trong hơn 03 năm triển khai thi hành, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, lực lượng chức năng, góp phần kiềm chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồc gốc xuất xứ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, tổng kết 03 năm thi hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng cho thấy, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, bất cập trong áp dụng pháp luật như: Sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một hành vi vi phạm hành chính dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng; một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu không thống nhất....
Với những yêu cầu đặt ra, việc ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi là rất cần thiết.
Xử lý triệt để các hành vi vi phạm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung nội dung liên quan đến hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với hệ thống các quy định pháp luật khác có liên quan. Khắc phục tối đa những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý trong thực tiễn áp dụng các quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.
Thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nâng cao ý thức tuân theo pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Theo baochinhphu.vn