Lễ khai mạc CIIE 6 có sự tham dự của lãnh đạo, đại diện đến từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đây là một trong bốn hoạt động ngoại giao đa phương thường niên lớn nhất của Chính phủ Trung Quốc theo sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ năm 2018.
Hội chợ CIIE lần thứ 6 có chủ đề "Thời đại mới, cùng chia sẻ tương lai", đã thu hút hơn 150 quốc gia và tổ chức quốc tế, 3.400 doanh nghiệp tham dự. Hội chợ được tổ chức với mục đích nâng cao vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khẳng định chính sách thương mại hai chiều của Trung Quốc, sẵn sàng mở cửa thị trường to lớn đóng góp vào phục hồi và tăng trưởng thương mại và kinh tế toàn cầu.
Phát biểu chính tại Diễn đàn "Phát triển đầu tư và thương mại xanh - Cùng xây dựng văn minh sinh thái toàn cầu", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội chợ nhập khẩu quốc tế của Trung Quốc lần thứ 6.
Trong bối cảnh thế giới chuyển đổi sâu sắc với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển dựa vào công nghệ, tri thức, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là thời điểm lịch sử để thế giới nhanh chóng đổi mới, chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh và chia sẻ ba định hướng hợp tác lớn.
Một là cần củng cố hợp tác và đoàn kết quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái cho đầu tư và thương mại xanh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đối phó với thách thức toàn cầu cần có nỗ lực toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương. Các thể chế đa phương như Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), UNCTAD, UNDP, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cần phát huy vai trò tăng cường kết nối xây dựng các chính sách toàn cầu nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư xanh, bền vững.
Hai là, quá trình xanh hóa đầu tư và thương mại cần bảo đảm công bằng. Các nước cần cùng nhau hành động, thực hiện mục tiêu chung song có tính tới sự khác biệt về trình độ phát triển, quy mô kinh tế và khả năng thích ứng của các nước. Các nước phát triển cần hỗ trợ về tài chính, công nghệ và nhân lực cho các nước đang phát triển để bắt kịp các quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh toàn cầu.
Ba là, khoa học công nghệ là "vaccine" trong hành trình ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh. Phó Thủ tướng đề nghị các nước phát triển cần đi đầu sáng chế, phát triển khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm xanh như hydrogen xanh, hạ tầng bảo quản, vận chuyển và sản xuất ít phát thải, thân thiện với môi trường. Các tổ chức quốc tế cần góp phần bảo đảm quá trình phân bổ nguồn lực, chuyển giao công nghệ xanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển một cách công bằng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh nếu các nước phát triển và đang phát triển cùng nhau hợp tác, tận dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho chuyển đổi năng lượng thì có thể biến những điều không thể thành có thể để cùng hướng đến mục tiêu cao cả nhất là phát triển bền vững và nền văn minh sinh thái toàn cầu.
"Việt Nam sẵn sàng tham gia cùng các nước phát triển thiết lập một khuôn mẫu hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển cho chuyển đổi xanh", Phó Thủ tướng khẳng định.
Là một trong 3 nước triển khai Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và nhóm đối tác quốc tế, Việt Nam thúc đẩy cơ chế huy động tài chính xanh, theo đó nguồn vốn từ Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, điều hướng các nguồn đầu tư tư nhân để hiện thực hóa các mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Hơn 200 đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia học giả các nước và tổ chức quốc tế tham dự Diễn đàn đã tập trung thảo luận về giải giáp thúc đẩy thương mại và đầu tư nhằm tăng cường tài chính cho phát triển cũng như phát triển công nghệ xanh hướng tới xây dựng một hệ văn minh sinh thái toàn cầu.
Theo baochinhphu