Chủ Nhật, 24/11/2024 07:23:08 GMT+7
Lượt xem: 450

Tin đăng lúc 31-01-2024

Cần trọng khi mua sắm thực phẩm online trong thời điểm cận kề dịp Tết Nguyên đán

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn mua những mặt hàng được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội trong thời điểm cận dịp Tết Nguyên đán.
Cần trọng khi mua sắm thực phẩm online trong thời điểm cận kề dịp Tết Nguyên đán
Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn mua những mặt hàng được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội trong thời điểm cận dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa

Thời gian qua, việc sử dụng hình thức livestream, gian hàng online trên các sàn thương mại điện tử để bán hàng đã trở thành một xu hướng phổ biến trong thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến. Bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Chưa kể, sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

 

Tuy mua bán trên mạng rất tiện lợi, song lợi dụng việc không thể xem sản phẩm trực tiếp, một số đối tượng đã trà trộn sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng. Đa phần các loại đặc sản Tết bán trên mạng đều là thực phẩm homemade, handmade hoặc nhập hàng từ các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ và đặc thù phục vụ một nhóm khách hàng nhất định. Người tiêu dùng chỉ có thể lựa chọn sản phẩm dựa trên các phản hồi của người mua trước đó, hoặc cam kết... miệng của người bán hàng.

 

Trên các trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử hiện có nhiều gian hàng ảo ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó bánh kẹo, thực phẩm, đồ khô, đồ trang trí Tết được quảng cáo rất nhiều. Thậm chí nhiều loại đặc sản nổi tiếng của thế giới cũng được chào bán.

 

Quy trình mua bán đơn giản, thuận tiện, chỉ cần thao tác trên điện thoại, máy tính có kết nối internet để tìm kiếm và lựa chọn mặt hàng, đặt mua trực tiếp trên ứng dụng hoặc gọi điện tới người bán và cung cấp thông tin, địa chỉ, những món hàng này sẽ được ship tận nơi. Đặc biệt, khi 'săn' đúng khung giờ mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể sưu tầm được nhiều mã miễn phí giao hàng, các chương trình giảm giá hay tặng quà hấp dẫn dành riêng cho các mặt hàng Tết.

 

Phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm loại này chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước, do đó, khó có thể bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Ngoài ra, khi chế biến, các cơ sở nhỏ lẻ có những hạn chế về các điều kiện vệ sinh an toàn từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng, vì thế tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

 

Điều kiện chế biến không đảm bảo, không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, thời gian bảo quản sẽ ngắn, sản phẩm dễ bị hỏng, do đó, các thực phẩm handmade có thể xuất hiện nhiều vấn đề như sử dụng chất phụ gia không đúng, nấm mốc, nhiễm khuẩn... Nguy hiểm nhất khi mua các sản phẩm handmade online là không kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu. Mỗi một gia đình làm handmade lại có một kỹ thuật riêng, khó kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm khuyến cáo, hiện nay việc kiểm tra xử lý các mặt hàng đặc sản Tết 'nhà làm' bán trên mạng xã hội gặp nhiều khó khăn vì địa chỉ bán hàng không rõ ràng, bán hàng ở một nơi, kho xưởng lại ở nơi khác và chủ yếu bán dạng ship tại nhà. Do đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền tại các tổ dân phố để người dân khi mua sắm trên mạng, đặc biệt là nông sản, thực phẩm, cần có nhận thức đúng, lựa chọn hàng đủ tiêu chuẩn vì nguy cơ mất an toàn thực phẩm hay bị trà trộn hàng giả, hàng nhái rất cao. Người dân nên lựa chọn những mặt hàng kinh doanh tại các địa điểm cố định, đủ giấy tờ đăng ký kinh doanh, các sản phẩm có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng.

 

Nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhập, hàng kém chất lượng lậu thúc đẩy thương mại điện tử phát triển và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong mua sắm online, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp. 

 

Điều này góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch và giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử. Mặt khác, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống hàng giả trên môi trường mạng.

 

Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử, tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan tới quy định pháp luật về thương mại điện tử.

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang