Thứ Sáu, 22/11/2024 03:53:32 GMT+7
Lượt xem: 762

Tin đăng lúc 10-09-2023

Cẩn trọng khi sử dụng đồ chay giả mặn không được quản lý về chất lượng

Các loại đồ ăn chay giả mặn ngày nay không còn xa lạ với nhiều người bởi trên thị trường rất nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã được bán không chỉ trên các chợ truyền thống, chợ online như các kênh mạng xã hội zalo, facebook.
Cẩn trọng khi sử dụng đồ chay giả mặn không được quản lý về chất lượng
Đồ chay mặn đủ các món được bán tại các chợ dân sinh Hà Nội

Thế nhưng, theo chuyên gia dinh dưỡng, sản phẩm này thường được thêm chất bảo quản, phụ gia, tạo mùi, màu để tạo hình bắt mắt người mua. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm chay không nhãn mác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang được bày bán trên thị trường và người tiêu dùng thì vẫn vô tư sử dụng...

 

Tại một số chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội, rất nhiều các thực phẩm chay chế biến sẵn được bày bán với hình thức rất bắt mắt, tuy nhiên về chất lượng thì hầu như chưa được kiểm chứng, thậm chí nhiều sản phẩm còn không có nhãn mác rõ ràng, thế nhưng mặt hàng này vấn bán rất chạy vào các ngày tuần trong tháng.

 

Chị Nguyễn Thị Hoa (ở Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị ăn chay trường nên các sản phẩm chay chính là sở trường của chị. “Tôi hay mua của người quen nên thường chỉ đặt niềm tin vào họ chứ không quan trọng nhãn mác, xuất xứ. Vì mua rất lâu rồi nên hoàn toàn tin về chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm, từ giò chay, cho đến các loại nem chay... những ngày rằm, mùng 1 đều đặt hàng qua người quen” – chị Hoa cho biết.

 

Nhưng thực tế thì không phải bà nội chợ nào cũng có mối quen để đặt niềm tin vào sản phẩm, họ chỉ ra các chợ dân sinh, hoặc lên các chợ trực tuyến để mua hàng. “Các loại chay giả mặn có nhiều sản phẩm hấp dẫn như đùi gà, heo quay, pate, xúc xích. Tuy chúng không có nhãn mác nhưng giá phải chăng nên rất hút người dùng” – bà Xuân (ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết.

 

Mắc bệnh đái tháo đường và cao huyết áp từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị May (75 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) đã lựa chọn ăn chay trường. Thế nhưng, bà May cảm thấy lo lắng khi chọn mua các thực phẩm chay đóng gói được bán trên thị trường. “Với các món chay sử dụng rau, củ, khoai, đậu đỗ… để chế biến thì không có độ giòn, dai và ăn nhiều cũng chán. Muốn thay đổi khẩu vị nên tôi hay mua thực phẩm chay đóng gói sẵn để ăn và thấy độ giòn, dai. Một số món “chay giả mặn” như thịt gà, ốc, giò… nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhà sản xuất phải sử dụng phẩm màu, phụ gia, chất bảo quản để trông bắt mắt, có hình dáng giống thực phẩm mặn. Liệu các loại phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản được sử dụng để chế biến các món chay này có tuân thủ đúng quy định bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng hay không”, bà May băn khoăn.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thị trường thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với sự phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, công tác quản lý các sản phẩm này còn thiếu thống nhất, bộc lộ nhiều bất cập, nên chất lượng thực phẩm chay đang bị thả nổi. Trong khi đó, việc kiểm soát, thu hồi triệt để mặt hàng không bảo đảm an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn... là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm không đáng có thời gian qua.

 

Về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm, sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe. Cụ thể là gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép và gây ngộ độc mạn tính dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục.

 

“Đơn cử như một số phụ gia tích lũy trong cơ thể gây tổn thương lâu dài, đặc biệt là loại phụ gia bị cấm. Có thể kể đến hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao... Không chỉ vậy, thực phẩm “chay giả mặn” còn được chiên, xào rán nhiều cũng có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.

 

Theo quy định, để sản xuất thực phẩm chay an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng được quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc một trong các giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, FSSC 22000… hay tương đương còn hiệu lực. Ngoài các điều kiện về nhà xưởng sản xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay cần lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm, tài liệu về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y tế; tự công bố chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm nhập khẩu, phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, bảo đảm đầy đủ nội dung theo quy định.

 

Để đảm bảo an toàn sức khoẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi mua thực phẩm chay, nên tìm hiểu kỹ tất cả những thông tin xung quanh sản phẩm; tuyệt đối không mua và sử dụng những sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng, hàng không nhãn mác. Khi mua thực phẩm chay, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị ngả màu, mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu. Đối với thực phẩm chay ngoại nhập, cần mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, có tem nhãn phụ, hạn sử dụng...

 

Minh Hiếu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang