Ngoài việc mừng tuổi đầu năm, người dân cũng thường đi chùa cầu bình an và dùng tiền lẻ để công đức. Chính vì vậy, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân lại tăng cao.
Trong dịp này các dịch vụ đổi tiền lẻ tại các điểm nóng “chợ đen” ở Hà Nội như phố Đinh Lễ, Chùa Hà... có phần giảm bớt và không còn công khai như trước.
Tuy nhiên, thị trường đổi tiền trên mạng xã hội như Facebook lại vô cùng sôi động. Tính từ đầu tháng 12/2016, số lượng các Fanpage đổi tiền lẻ trên Facebook “mọc” lên như nấm, chỉ cần gõ cụm từ “đổi tiền lẻ” lên thanh tìm kiếm sẽ thấy hàng chục kết quả.
Một người dân ngụ tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội chia sẻ: “Tết năm nào tôi cũng mừng cho các cháu trong nhà 20.000 đồng tiền mới và dùng tiền lẻ 2.000 đồng, 5.000 đồng đi chùa công đức. Năm nay, tôi có nhu cầu đổi 8 triệu đồng tiền lẻ nhưng đi nhiều ngân hàng rồi vẫn chưa đổi được quá 5 triệu đồng. Đến đâu hỏi nhân viên giao dịch cũng bảo số lượng tiền lẻ rất hạn chế hoặc đã hết”.
“Vào dịp giáp Tết, rất nhiều người dân có nhu cầu đổi tiền lẻ. Các ngân hàng đều có chính sách đổi tiền khi người dân có nhu cầu, tuy nhiên vẫn phải tùy thuộc vào chi nhánh giao dịch còn tiền lẻ trong quỹ hay không. Thực tế, do số lượng người đến đổi tiền lẻ nhiều nên sẽ xảy ra trường hợp khan hiếm”, chị Thu Trang, một nhân viên ngân hàng trên đường Trần Đăng Ninh (TP.Hà Nội), cho biết.
Vì khan hiếm nên nhiều người sẽ tìm đến các điểm “chợ đen”, trang web để đổi tiền lẻ.
Qua tìm hiểu tại một số điện thoại trên một Fanpage đổi tiền và nhận được bảng giá đổi tiền lẻ có mức giá chênh lệch khá cao. Đối với 1.000 tờ 500 đồng sẽ có giá đổi 1.100.000 đồng/cọc, 1.000 đồng có giá 1.300.000 đồng/cọc, 2.000 đồng có giá đổi là 2.300.000 đồng/cọc.
Bên cạnh việc đổi tiền lẻ qua mạng phải chịu phí rất cao, người sử dụng dịch vụ này còn có nguy cơ bị lừa đảo. Không ít trường hợp người đổi tiền bằng cách chuyển khoản đã bị chủ Fanpage chặn liên lạc và mất tích.
Bà Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chóng tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an TP.Hà Nội, cho biết hiện nay tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội diễn ra với tần suất ngày càng dày, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Người dân dù được khuyến cáo, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền khá lớn”.
Bà Hằng nhấn mạnh, việc nhận đổi tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động cấm. Vì thế khi thấy những lời quảng cáo giao dịch tiền giả, tiền lẻ hấp dẫn đều nên cẩn thận khi chuyển khoản, giao dịch.
Nguồn Người tiêu dùng