Theo thống kê, tính đến năm 2020, Việt Nam có tới hơn 69 triệu tài khoản Facebook, khoảng trên 45 triệu người xem Youtube, trên 13 triệu người sử dụng Tiktok... Qua những số liệu thống kê trên, có thể thấy, mạng xã hội đang mở ra cơ hội quảng cáo, kinh doanh vô cùng lớn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp với người tiêu dùng. Đồng thời giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, sản phẩm dễ dàng, tiện dụng hơn.
Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường, Ở Việt Nam, doanh thu thương mại điện điện tử B2C cũng liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2016, con số này mới chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước. Báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á của Google dự báo, thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 34% so với năm 2020.
Cũng giống như nhiều loại hình sản xuất kinh doanh khác, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng cũng đã tận dụng được lợi thế mạng xã hội để phát triển. Trong những năm vừa qua, đã có hàng chục nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng đạt chuẩn GMP ra đời, hàng trăm doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố, kinh doanh sản phẩm, cùng với đó là hàng nghìn nhãn hàng với đủ loại quy cách, tác dụng ra đời.
Bên cạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh, quảng cáo tuân thủ các quy định của nhà nước, vẫn tồn tại nhiều hoạt động vi phạm. Các lỗi vi phạm thường thấy như: Sản xuất tại cơ sở không đạt chuẩn GMP, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng là thuốc, có tác dụng như thuốc, sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo… Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công khai cảnh báo, xử phạt nhiều doanh nghiệp, sản phẩm trên nhiều website, trang facebook như: cảnh báo sản phẩm dạ dày Tuệ Tĩnh quảng cáo trên website www.dadaytuetinhchinhhang.vn; xử phạt Công ty Cổ phần Dược phẩm công nghệ Nhật Bản 60 triệu vì lỗi vi phạm quảng cáo TPBVSK GMDIET PLATINUM; xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Dược Trung ương VIMEXPHARM Chi nhánh Phú Thọ vi phạm lỗi: Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không thực hiện duy trì hoạt động vệ sinh hàng ngày đối với hệ thống nhà xưởng, thiết bị và tiện ích phụ trợ đối với dây chuyền sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên nén sủi, cốm sủi, bột sủi…
Trao đổi với đại diện một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn Hà Nội, ông này cho biết thêm: Hiện nay, ngoài những lỗi vi phạm quảng cáo thông thường, còn xuất hiện hiện tượng một số đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có uy tín, sau đó cho chạy quảng cáo trên Facebook, youtube dưới hình thức hàng tặng hoặc khuyến mại giảm giá rất sâu. Họ sản xuất sản phẩm có bao bì giống đến 80% - 90%, sử dụng hình ảnh nhà thuốc, lương y, nguời dân tộc làm thuốc để quảng cáo. Hành vi không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp mà còn gây nguy hại cho người tiêu dùng vì không biết nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất thủ công, không đạt chuẩn, không được kiểm nghiệm. Bản thân doanh nghiệp sản xuất cũng không phát hiện, chỉ khi người tiêu dùng phản ánh mới biết có sự tồn tại dạng sản phẩm này. Đại diện doanh nghiệp này khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, không nên vội vàng tin vào những quảng tặng thuốc, khuyến mại giảm giá sâu trên mạng để mua sản phẩm, phản ánh kịp thời tới đơn vị sản xúât kinh doanh để kịp thời được tư vấn, chánh tiền mất, tật mang.
Như vậy có thể thấy, thị trường thực phẩm chức năng online còn tiềm ẩn nhiều rủi do cho người tiêu dùng. Để tránh gặp phải những hệ lụy không mong muốn, trước các thông tin quảng cáo “quá hấp dẫn”, người tiêu dùng nên cẩn trọng, chỉ nên mua sản phẩm ở những website uy tín, đã đăng ký với Bộ Công Thương, có địa chỉ, điện thoại rõ ràng, có thông tin về sản phẩm phù hợp với công bố; không mua sản phẩm bị thổi phồng công dụng, giá cả thấp hơn nhiều so với giá công bố…
Linh Tâm