Đó là một trong những kiến nghị của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn biện pháp tịch thu, tiêu hủy đối với giống cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm nhân giống vô tính không từ cây đầu dòng, vườn đầu dòng; Có chế tài đối với các cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm nhân giống vô tính không từ vườn đầu dòng, cây đầu dòng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn việc lấy mẫu đối với hạt giống có khối lượng, kích thước hạt nhỏ; Bộ nhanh chóng ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn và cấp quyền truy cập cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Đồng Nai là tỉnh Miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường sắt và đường bộ Bắc Nam đi qua, nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung. Tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi khó kiểm soát, hàng hóa nhập lậu vào thị trường chủ yếu từ các tỉnh miền trung vận chuyển vào và từ các tỉnh biên giới Tây Nam xuống.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát các vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hoá, phân bón kém chất lượng, hết hạn sử dụng và đặc biệt còn phát hiện một số đối tượng nhập khẩu nguyên liệu về gia công, đóng gói phân bón có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài dán nhãn nhà nhập khẩu để bán ra thị trường lừa rối người tiêu dùng. Địa bàn thường được phát hiện vi phạm là các huyện nông nghiệp vùng sâu, vùng xa nơi nhận thức của người nông dân còn hạn chế và công tác quản lý còn chưa được chặt chẽ.
Như vậy, công tác đấu tranh phòng chống nạn sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng của toàn xã hội vẫn còn gian nan và cần phải làm thường xuyên nhằm từng bước đẩy lùi vấn nạn này góp phần ổn định thị trường, lành mạnh trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong thực thi nhiệm vụ các lực lượng chức năng đã gặp một số khó khăn như: Trong thực hiện Quyết định 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính Phủ về ban hành “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, Chi cục phải chuyển hồ sơ vi phạm đến các Chi cục Bảo vệ thực vật khác nơi đặt trụ sở của các công ty vi phạm để tiếp tục xử lý sai phạm, vì vậy để hoàn tất hồ sơ một đợt thanh tra rất mất thời gian do phải chờ thông báo kết quả xử lý của các đơn vị liên quan.
Hiện tại việc lấy mẫu hạt giống để kiểm tra chất lượng thực hiện theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8548:2011 (Bảng A.1 - Khối lượng lô giống và khối lượng mẫu quy định đối với một số loại cây trồng), trên thị trường hiện đang lưu hành rất nhiều sản phẩm hạt giống rau có kích thước nhỏ và giá thành rất cao vì vậy việc lấy mẫu theo tiêu chuẩn trên là rất khó thực hiện.
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy, cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh, kiểm tra.
Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các cơ sở được chỉ định mất nhiều thời gian, chi phí cao. Ở điểm c, khoản 2, Điều 6 của Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 18/9/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường: kết quả thử nghiệm của tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ định là căn cứ pháp lý để cơ quan kiểm tra xử lý tiếp trong quá trình kiểm tra.
Đây là điều vướng trong thực tế, vì một mẫu khi gửi các tổ chức thử nghiệm khác nhau thì có kết quả phân tích khác nhau (sai khác quá lớn), nhưng dùng kết quả phân tích một lần của một trung tâm phân tích để làm căn cứ pháp lý quyết định sai phạm về chất lượng các doanh nghiệp chưa thật sự thuyết phục.
Thời gian tới tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp tục xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức hội thảo, tọa đàm với các doanh nghiệp đầu mối và thực hiện ký cam kết chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, phân phối phân bón, thuốc BVTV. Tiếp tục rà soát cập nhật các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV để đưa vào theo dõi, quản lý kịp thời.
Củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu rõ tính năng, tác dụng, thành phần và hàm lượng hữu hiệu của từng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; biết phân biệt hàng thật, hàng giả và nhận thức các thông tin ghi trên bao bì để bà con nông dân biết lựa chọn phân bón có hiệu quả.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Phối hợp với thông tin truyền thông đưa thông tin các đối tượng vi phạm, hình thức xử phạt để răn đe các tổ chức, cá nhân phải thực hiện sản xuất kinh doanh đúng quy định pháp luật.
Nguồn BCĐ389