Nỗi ám ảnh của doanh nghiệp
“Gây khó để ló phong bì, giấy phép con - niêu cơm không ai muốn tự đập vỡ”. Có thể nói, giấy phép con xưa nay vẫn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp (DN). Theo thống kê, hiện có khoảng 7.000 giấy phép con, chủ yếu là điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các Thông tư và khoảng một nửa trong số này là trái luật. Mỗi năm, tại Việt Nam (VN) có khoảng 60.000 DN giải thể, ngừng kinh doanh. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng giấy phép con được cấp tràn lan là một tác nhân không nhỏ dẫn đến thực trạng này. Thậm chí giấy phép con được ví giống như một “giường đinh” có khả năng sát thương cao đối với DN. Không phải ngẫu nhiên mà trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải kiên quyết xóa bỏ lợi ích nhóm chi phối chính sách khi nói về việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp lý mà các Bộ, ngành đã đặt ra cho DN.
Vướng mắc trong việc xóa bỏ các giấy phép con?
Theo quy định của Luật Đầu tư, từ ngày 01/7/2016, các giấy phép con của các Bộ, ngành địa phương sẽ chính thức bị xóa bỏ. Đây thực sự là một cơ hội lớn để xóa đi nối ám ảnh của DN và được cho là một bước đột phá về cải cách thể chế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bởi thời gian qua, bên cạnh những giấy phép con tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết cho quản lý nhà nước, khuyến khích đầu tư, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thì cũng có không ít giấy phép con tạo ra những điều kiện kinh doanh vô lý, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng một số cán bộ, công chức nhũng nhiễu. Vậy nhưng, những tác động thực tế của nó tới đâu thì vẫn đang là câu hỏi cần phải chờ thời gian trả lời. Bởi không chỉ nhiều Dự thảo, Nghị định đang trình Chính phủ ban hành được cho là phát sinh thêm nhiều rào cản thực hiện kinh doanh cho DN, mà ngay cả với nhiều Nghị định đã ban hành cũng được kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, dư luận cũng không ít lần bày tỏ lo ngại về khả năng do thời gian triển khai quá gấp gáp nên Thông tư sẽ được nâng cấp cơ học để rồi tạo thành những siêu Nghị định. Chẳng hạn Bộ NN&PTNT chỉ dự thảo một Nghị định nhưng tích hợp 39 Thông tư; Bộ Y tế dự thảo 12 Nghị định nhưng thực tế gộp cả 70 Thông tư... Điều này dẫn đến quy trình thực hiện không tham vấn được rộng rãi, ít có thời gian để đăng tải công khai, không gian thu thập ý kiến của các DN. Lần đầu tiên trong lịch sử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đã trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành trong thời gian 2 ngày để rà soát chi tiết và dĩ nhiên, do thời gian ngắn nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng cũng không thể tránh khỏi những sai sót, những mong muốn chưa được giải quyết triệt để.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, hiện nay, việc cải cách giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh ở VN rất khó khăn. Trước hết bởi nó gắn với lợi ích của những cơ quan nhất định, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh tức là bãi bỏ các quyền lực, lợi ích của nhiều cơ quan nhà nước – đây chính là cản trở lớn nhất và khó khăn nhất. Bên cạnh đó, văn hóa quản lý của VN cũng có vấn đề, các chuyên gia đã đánh giá đó là vấn đề “nghiện” quản lý, “nghiện” cấp phép. Ngoài ra, cách thức quản lý bộ máy cũng là rào cản lớn cho việc cải cách thể chế kinh doanh hiện tại kể cả ở các DN. Ngay cả phía các DN cũng không phải là không có cản trở, bởi việc cải cách giấy phép sẽ không nhận được sự đồng tình ủng hộ của các DN đang được hưởng lợi từ những giấy phép này.
Phải làm sao để “cuộc chiến” chống lại giấy phép con có hiệu quả?
Có thể nói, cuộc chiến chống lại giấy phép con không mới, nó đã kéo dài hàng chục năm qua, tuy nhiên vẫn còn những tình trạng không ít giấy phép con trong những năm gần đây đã được phù phép, biến hóa, khoác áo ngụy trang vì DN, vì người dân.
Tại kỳ họp thảo luận và ban hành nghị định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng, chúng ta phải kiên quyết bài trừ lợi ích nhóm, có những việc Nhà nước phải quản lý bằng thể chế chính sách để tạo hành lang pháp lý và động lực phát triển. Sau này, văn bản nào ban hành mà có sai sót, sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, sau thời điểm 1/7 khi các Nghị định được ban hành thì các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, theo dõi đánh giá, tiếp thu ý kiến của xã hội, cộng đồng DN để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, cắt giảm kịp thời các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con bất hợp lý.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lê Quân – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia cho rằng, sau ngày 1/7, với sự quyết tâm của Thủ tướng, đòi hỏi chúng ta cần có sự thay đổi tư duy. Đầu tiên là việc ban hành Nghị định cần chi tiết dần, tránh tình trạng cứ ban hành và cứ áp dụng còn Nghị định như thế nào sẽ quyết định sau. Thứ hai, đó là sự thay đổi về quan điểm, tức là sau ngày 1/7, DN và người dân được làm cái mà Nhà nước không cấm. Thứ ba, có vai trò của VCCI và các đoàn thể, làm cho xã hội thấy rằng, quyền hạn của các đơn vị, Bộ, ngành đến đâu và vai trò phản biện của xã hội tới đâu. Trong quá trình này, nếu chúng ta làm việc cụ thể minh bạch, công khai thì sẽ cụ thể hóa được vấn đề, tránh tình trạng đưa lên mạng cho đúng quy định rồi chờ xem xét, ban hành xong mới nhận ra vướng mắc thì không gắn được trách nhiệm cụ thể cho ai và không biết giải trình như thế nào.
Theo các chuyên gia, Chính phủ đang rất quyết tâm và nỗ lực trong việc xóa bỏ các giây phép con. Tuy nhiên, để những nỗ lực này “lan tỏa” tới cơ sở và những người thực thi công vụ thì: Thứ nhất, cần công khai minh bạch những quy định chính sách trên Cổng thông tin điện tử. Thứ hai, bên cạnh những văn bản, Thông tư, Nghị định là sản phẩm của các Bộ, ngành thì cũng nên đề cao vai trò cá nhân, tức là gắn quyền lợi, trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể; có cơ chế khen thưởng kỷ luật và gắn trách nhiệm.
Có thể thấy rằng, việc cắt bỏ giấy phép con không thể trông chờ hoàn toàn vào Chính phủ, càng không thể chờ đợi sự tự giác cắt bỏ từ các Bộ, ngành, mà cần phải có sự phối hợp từ phía các địa phương và cộng đồng các DN. Một quốc gia thịnh vượng, phát triển hay giậm chân tại chỗ trong nghèo khổ đã được xác định là một phần do thể chế quyết định. Khi nói đến chất lượng thể chế thì không chỉ là hệ thống luật pháp mà còn phải nói đến con người thực thi thể chế đó phải có những phẩm chất, năng lực, phải có ý thức phụng sự nhân dân, phụng sự doanh nghiệp. Hy vọng rằng tới đây, với sự quyết tâm của Chính phủ, việc xử lý trách nhiệm đối với những hành vi về xâm hại môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ được xác định rõ ràng, nghiêm minh. Bên cạnh đó, cũng cần có một cơ chế hiệu quả để mỗi cán bộ công chức gắn lợi ích của mình vào việc làm lợi cho DN thay vì cảm thấy cái lợi từ việc nhũng nhiễu người dân và DN./.
Hà Trang (thực hiện)