Thứ Hai, 25/11/2024 11:00:47 GMT+7
Lượt xem: 10080

Tin đăng lúc 20-08-2017

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trong xuất khẩu hàng hóa

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó việc đẩy mạnh xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có tác động tích cực tới nền kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, gần đây, thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã nhận được phản ánh và vừa phải phát đi các cảnh báo đối với một số doanh nghiệp Việt Nam về tình trạng lừa đảo khi xuất khẩu sang các thị trường này.
Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trong xuất khẩu hàng hóa
Ảnh minh họa

UAE là quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp các nước hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp kinh doanh rau quả trái cây tại UAE chủ yếu là Pakistan và Ấn Độ. Thời gian qua Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được email chào mua hàng nông sản, trái cây; ký kết hợp đồng xuất khẩu mặt hàng này từ một số doanh nghiệp tại UAE và bị lừa đảo, gian lận. Dù đã cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, song nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục giao dịch.

 

Ví dụ điển hình như Công ty Mohammad Mehdi General Trading giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và thuyết phục ký hợp đồng xuất khẩu chanh, chuối... với phương thức thanh toán 50% sau khi nhận bản scan chứng từ gửi hàng và thanh toán phần còn lại sau khi nhận được hàng đúng chất lượng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp UAE đã dùng tiểu xảo để gian lận, thậm chí gửi cả chứng từ thanh toán giả khoản 50% ban đầu để doanh nghiệp Việt Nam gửi hàng đi và hứa khi hàng đến cảng sẽ chuyển nốt tiền. Thế nhưng, sau đó, các doanh nghiệp lừa đảo tìm mọi cách trì hoãn việc thanh toán. Khi nhận hàng, công ty của UAE còn dùng thủ thuật tráo hàng chất lượng kém, khiếu nại doanh nghiệp Việt Nam mà không có bất cứ giấy tờ giám định chất lượng hàng hóa nào.

 

Theo khuyến cáo của đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, UAE là một thị trường tương đối mở và dễ tính. Thị trường này trung chuyển đến 40% lượng hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả hàng hóa và biên lợi nhuận thường ở mức thấp. Vì thế, khi doanh nghiệp Việt Nam thấy các đơn hàng có mức giá cao hơn thị trường từ những doanh nghiệp mới, thì cần hết sức cảnh giác.

 

Phương thức thanh toán đối với hàng rau quả, trái cây tại UAE thường là đặt cọc một phần tiền, sau đó khi nhận được bản scan chứng từ gửi hàng đối tác sẽ trả tiếp, phần còn lại sau khi nhận hàng khoảng 15-30 ngày tùy trường hợp. Nhiều doanh nghiệp lấy cớ là đặc thù của rau quả, trái cây là hàng nhanh hỏng, buôn bán trong khu vực thường cho nhau nợ nên đã ép các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo phương thức trên. Do đó, khi đàm phán, ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần lưu ý hạn chế việc cho trả chậm hoặc nợ. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải sàng lọc và xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là đối tác mới giao dịch, tìm kiếm qua internet. Với các đơn hàng ký kết lần đầu với đối tác mới, cần liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE để được hỗ trợ, xác minh về pháp nhân, uy tín…

 

Trước thực trạng trên, trong thời gian tới,  Thương vụ Việt Nam tại UAE sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đưa các loại nông sản, thực phẩm, trái cây Việt… vào thị trường UAE nhiều hơn nữa. Ngoài ra, trong quá trình giao dịch, nếu phát hiện các doanh nghiệp UAE có dấu hiệu gian lận, chây ỳ thanh toán, Thương vụ sẽ tiếp tục cảnh báo tới doanh nghiệp Việt Nam, nếu có phát sinh tranh chấp, Thương vụ sẽ hỗ trợ xử lý đối với doanh nghiệp cả hai phía.

 

Danh sách 13 công ty nhập khẩu được cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo tại UAE gồm: Green Belt Food Stuff; Diamond Empire General Trading; Vintage International F.Z.C; Mohammad Mehdi General Trading; Onion Food Stuff Trading; Khushi Trading; Olwen International FZC; Red Fort Trading; Season Food Stuff Trading; Lassani Food Stuff Trading; Mahak Gulf Trading; Takbeer Trading; Floral Fruit.

 

Bảo Kiên

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang