Thứ Năm, 21/11/2024 23:00:33 GMT+7
Lượt xem: 3588

Tin đăng lúc 28-10-2023

Cảnh báo chiêu trò đặt đơn ảo trên sàn thương mại điện tử

Mua sắm online trên các nền tảng mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang trở nên phổ biến thời gian trở lại đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động đặt đơn hàng ảo trên sàn thương mại điện tử ngày càng diễn ra phổ biến. Điều này không chỉ tác động xấu đến trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng thực, nhưng nghiêm trọng hơn, là nguồn cơn cho các hành vi lừa đảo.
Cảnh báo chiêu trò đặt đơn ảo trên sàn thương mại điện tử
Ảnh minh hoạ

Hình thức đặt đơn hàng ảo này được gọi là “seeding” cho gian hàng để tăng lượt tương tác. Tuy nhiên, hình thức này đang ngày càng biến tướng. Nhiều cá nhân đã lợi dụng, biến nó thành chiêu trò lừa đảo kiếm tiền trên mạng xã hội.

 

Để có số lượt mua cao và đánh giá 5 sao, nhiều chủ cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử thuê người đặt hộ các đơn hàng.

 

Nhiều group (nhóm) trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... nhộn nhịp rao tuyển cộng tác viên đặt hộ đơn hàng ở sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada... với thù lao hấp dẫn. Các bài đăng này thu hút rất nhiều tài khoản vào comment (bình luận), bày tỏ muốn hợp tác.

 

Chị Quỳnh An (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, suýt bị lừa tiền khi tìm hiểu hình thức này. Là mẹ bỉm sữa hiện đang ở nhà chăm con nhưng vẫn muốn có thêm thu nhập, chị An bắt đầu tìm hiểu về các công việc online. Lúc đầu, chị An vì tò mò mới bình luận thử 1 - 2 bài viết có nội dung tìm người đặt đơn hàng hộ. Sau đó, một tài khoản ảo đã nhắn tin đường link tham gia vào một nhóm chat kín cho chị.

 

Bên trong nhóm này, các tài khoản liên tục “khoe” thu nhập hằng tháng cao chót vót nhờ đặt đơn hộ. Trong khi đó, gần như không có tin nhắn liên quan đến hướng dẫn công việc.

 

“Họ yêu cầu tôi cọc 500.000 đồng mới giao nhiệm vụ, lúc này tôi mới tá hoả vì biết mình vừa tham gia nhóm lừa đảo” – chị An kể.

 

Tại một nhóm kín có tên "Đặt đơn ảo Shopee - Lazada. Vận hành từ A - Z", các thành viên trong nhóm liên tục đăng bài tìm kiếm những người dùng có nhiều tài khoản Shopee/Lazada đã dùng trên 3 đến 5 tháng và có đơn hàng đã được giao thành công. Những người này sẽ được chủ gian hàng trả phí từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng cho mỗi đơn đặt hàng thành công, có đánh giá 5 sao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. 

 

Đáng chú ý, những hình ảnh mà nhóm người này đăng tải đánh giá về sản phẩm đều được chủ gian hàng chuẩn bị sẵn và gửi đi. Bởi vậy, không khó để người tiêu dùng thấy trên sàn TMĐT Shopee và Lazada số lượng người đã mua một mặt hàng có thể lên đến cả chục nghìn người cùng với vô vàn đánh giá 5 sao và những lời khen có cánh. 

 

Trên một số website về vận hành và quản lý bán hàng online chuyên nghiệp còn có những bài viết hướng dẫn chi tiết về cách đặt đơn ảo để tăng số lượng người đã mua hàng. Theo đó, những website này còn chỉ rõ cách các sàn TMĐT Shopee, Lazada phát hiện đơn ảo và những cách thức để qua được kiểm duyệt của sàn mà không ảnh hưởng đến gian hàng. 

 

Anh Duy Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết anh quyết định đặt đơn với giá trị vài triệu đồng sau khi thấy một gian hàng kính mắt trên Shopee có lượt bán cao cùng nhiều lời khen ngợi từ người mua trước đó. Tuy nhiên, khi nhận hàng, kính có độ hoàn thiện kém, mẫu mã không giống quảng cáo. Chủ gian hàng trên website thương mại điện tử tỏ ra khó chịu và đôi co khi anh yêu cầu trả hàng.

 

“Họ nói những người mua trước đều hài lòng, do đó phản hồi của tôi không chính xác, không có cơ sở”, anh Định nói.

 

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các sàn TMĐT buông lỏng kiểm soát hoạt động bán hàng của cá nhân, đơn vị đăng ký kinh doanh là bởi các nhà bán lẻ hàng hóa luôn bị đặt vào áp lực về mặt doanh số, số tài khoản, thứ hạng, lượng truy cập… Tình trạng kinh doanh bát nháo trên sàn TMĐT như Lazada và Shopee lại càng trầm trọng hơn, đặc biệt là buôn bán trái phép thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử… Vấn đề hàng hóa trôi nổi, đẩy giá bán, khuyến mãi ảo cũng diễn ra tràn lan.

 

Theo đại diện Shopee, một trong những nền tảng thương mại phổ biến tại Việt Nam cho biết đặt đơn hộ là hành vi gian lận nhằm tăng các chỉ số ảo, ảnh hưởng đến quá trình mua sắm của người dùng. Vì vậy, tài khoản tham gia sẽ bị xử lý theo quy định của nền tảng. Theo chính sách đăng tại trang thông tin người bán, gian hàng vi phạm sẽ bị xóa số lượt bán và đánh giá sản phẩm, giới hạn tài khoản hoặc khóa vĩnh viễn. Với người bán thuộc Shopee Mall, việc tự đặt hàng sẽ bị phạt 2.000.000 đồng cho mỗi đơn gian lận.

 

Các nền tảng cũng thường xuyên xem xét và lọc ra các đơn hàng đáng nghi từ người mua. Nếu phát hiện hành vi tăng chỉ số ảo, tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn. Tất cả đơn hàng, đánh giá, lượt thích từ người mua cũng bị gỡ khỏi gian hàng liên quan. Nền tảng cũng khuyến khích các chủ cửa hàng báo cáo những đơn vị vi phạm nhằm đảm bảo sự công bằng cho cả bên mua và bán.

 

Để giải quyết thực trạng hàng kém chất lượng được tiêu thụ đến tay người tiêu dùng, cần có chế tài xử phạt nặng tay với cả đơn vị bán hàng và chủ sàn TMĐT. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải có công cụ kiểm soát hoạt động TMĐT. Bộ Công Thương cần có cơ chế phối hợp, làm việc chặt chẽ với sàn TMĐT trên cơ sở pháp luật rõ ràng để kịp thời cảnh báo hoạt động vi phạm, tránh lan rộng.

 

Để không trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo tuyển CTV chốt đơn ảo, người dân cần lưu ý về một số dấu hiệu lừa đảo sau đây:

 

- Cẩn trọng với các tin tuyển dụng có nội dung “Tuyển CTV chốt đơn hàng việc tại nhà, lương cao, không yêu cầu máy tính, kinh nghiệm”; “Tuyển CTV check đơn nhận 300k/ngày”... Khi nhận được các thông tin tuyển dụng này, càng tìm hiểu kỹ thông tin của phía tuyển dụng xem có uy tín và đáng tin cậy hay không.

 

- Các đường link lừa đảo thường có cú pháp “Tên của sàn thương mại điện tử + Ký hiệu lạ”, do đó, cần kiểm tra kỹ trước khi bấm vào các đường link này.

 

- Khi mời gọi nạn nhân trở thành CTV, các đối tượng sẽ đưa ra những lời hứa hẹn và cam kết miệng về công việc có thu nhập cao, thậm chí ban đầu chúng sẽ nạp cho nạn nhân một khoản tiền nhỏ khoảng vài chục nghìn đồng để tạo dựng lòng tin. Do vậy cần tỉnh táo trước những lời mời gọi này để không bị sập bẫy.

 

- Khi đã trở thành CTV, ngay khi nhận thấy có dấu hiệu phía bên tuyển dụng chần chừ hoàn trả tiền hoặc có dấu hiệu lừa đảo khác, người dân không nên tiếp tục chốt đơn, mua hàng bởi càng về sau, giá trị đơn hàng sẽ càng lớn, số tiền bị mất sẽ càng nhiều...

 

Bảo Kiên

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang