Thực chất, cashback là mô hình thương mại điện tử (TMĐT) B2C - kết nối doanh nghiệp (DN) với người tiêu dùng. Lý do để các DN, nhà cung cấp dịch vụ hoàn tiền cho người tiêu dùng là họ muốn mở rộng hệ thống khách hàng, thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ. Với mô hình này, người tiêu dùng sẽ được hoàn lại một phần tiền khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử hoặc các ứng dụng mua hàng.
Theo như quảng cáo, khi sử dụng các website, ứng dụng TMĐT này để giao dịch mua sắm, người tham gia sẽ được hoàn tiền hoặc chiết khấu cho mỗi giao dịch từ 80% - 100%, thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua. Tuy nhiên, việc “hoàn tiền” với trị giá cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, còn chuyển đổi ra tiền mặt thì tỷ lệ phần trăm rất nhỏ (thường từ 0,05% - 0,1%/ngày), cho nên việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo không còn ý nghĩa gì. Việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này thường liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử. Ngoài giao dịch mua sắm tiêu dùng, hệ thống còn cho phép tài khoản của người tham gia có thể đầu tư, mua bán, trao đổi điểm số nội bộ trên hệ thống, tương ứng với các loại tiền ảo. Thế nhưng, thực tế các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ, không được pháp luật Việt Nam công nhận là môi trường trung gian để thanh toán. Người tham gia nếu có tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.
Sau khi theo dõi và thu thập thông tin qua trang mạng xã hội, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy cashback có dấu hiệu đáng nghi ngờ và đưa ra cảnh báo mô hình hoạt động của các website, ứng dụng TMĐT có những biểu hiện như trên (hoặc tương tự) đều không rõ ràng, thiếu minh bạch trong hoạt động, có dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép. Do đó, để hạn chế những rủi ro, người tiêu dùng không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống những website ứng dụng TMĐT như trên.
Rà soát nhiều nội dung được giới thiệu trên internet, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá một số dự án, mô hình hoạt động này có dấu hiệu lợi dụng nền tảng TMĐT để kinh doanh đa cấp trái phép. Có thể kể đến các website: Onelinknetwork.com, ChiliMall.net, Vitae.co, Crowd1.com, Tcapital.org… đang mời gọi khách hàng kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn. Những dự án này có điểm chung là hướng đến sinh viên tìm việc làm thêm, mong muốn khởi nghiệp và doanh nhân trẻ. Các dự án, mô hình này luôn “nổ” quy mô tầm quốc tế, mang sứ mệnh thời đại 4.0, lấy lợi ích cộng đồng làm động lực phát triển; được ca ngợi như dự án “đi tắt đón đầu”, giải quyết nhiều vấn đề… Dự án quảng cáo và đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với tỷ lệ hoa hồng, thu nhập cao; “dụ dỗ” người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có lợi ích và đổi đời nhanh chóng; ca ngợi nhà đầu tư dự án là những người đi tiên phong, làm cách mạng thời đại 4.0 và thúc giục họ bỏ tiền tham gia đầu tư.
Tuy nhiên, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia lại không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, chỉ ghi nhận qua tài khoản người tham gia hiển thị trên website. Người tham gia hay đầu tư không được cấp giấy chứng nhận, xác nhận chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Do đó, người tham gia đầu tư sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có trục trặc kỹ thuật trên hệ thống hoặc chủ dự án cố ý thoái thác trách nhiệm.
Để tránh rủi ro về vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư hay phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án trên. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
Theo Thời báo kinh doanh