Có ý kiến cho rằng, có thể dùng loại đèn pin huỳnh quang (loại đèn dùng để soi tiền giả, được bán khá phổ biến với giá vài chục ngàn đồng) để kiểm tra tem xem thật hay giả. Khi chiếu đèn lên số sê-ri trên tem, số sê-ri sẽ phát sáng nếu là tem thật. Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CHG, công ty được cấp phép in tem chống hàng giả - cho biết, đèn hồng ngoại chỉ có tác dụng với loại tem ứng dụng công nghệ phát sáng và không có tác dụng đối với các loại tem dùng công nghệ in khác.
Theo quy định hiện hành, để được in tem chống giả, đơn vị in tem phải được Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cấp phép. Tem chống giả phải đáp ứng ba yêu cầu: do đơn vị được cơ quan quản lý cấp phép in ấn; trên tem có công nghệ chống giả tiên tiến; người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra.
Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng, trên thị trường, nhiều công ty in ấn các loại bao bì, nhãn mác thông thường cũng nhận in tem chống giả. Thực tế, họ chỉ in tem thông thường như các loại tem phổ biến khác chứ không đầu tư công nghệ bài bản và chưa được cơ quan quản lý cấp phép.
Hiện chỉ có khoảng trên 10 công ty được cấp phép in tem chống giả và ứng dụng công nghệ nước, nhiệt, phát sáng, tem điện tử SMS, tem barcode 2D, tem hologram bảy màu… Mỗi công nghệ lại có cách nhận biết khác nhau nên người tiêu dùng cũng rất khó để nhận biết, phân biệt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có tình trạng doanh nghiệp sử dụng nhãn mác có in dòng chữ “tem chống giả” lên sản phẩm. Đây không phải là tem chống giả và không có tính pháp lý vì tem không được bảo mật, có thể in ở bất cứ nhà in nào và không được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
“Do không có cơ quan nào đứng ra bảo hộ và xử lý trong trường hợp tem nhãn bị làm giả nên dẫn đến thực trạng hàng giả có in “tem chống giả” ngày càng nhiều. Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là tem nhãn và đâu là tem chống giả thật sự” - chủ một doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Viết Hồng cho rằng, những doanh nghiệp quan tâm đến tính pháp lý và công nghệ chống hàng giả sẽ đặt in tem ở những đơn vị được cấp phép, có sử dụng công nghệ hiện đại để phát huy đúng ý nghĩa, giá trị bảo vệ sản phẩm thật và quyền lợi người tiêu dùng: “Các công ty in ấn thông thường chỉ có thể bắt chước hình thức con tem chứ không đưa công nghệ vào được, như phải thấm nước, dùng nhiệt hay đèn chiếu, điện thoại thông minh để nhận diện hàng thật”.
Luật không bắt buộc doanh nghiệp phải in tem ở đâu và việc in tem chống giả là do doanh nghiệp tự bảo vệ mình. Doanh nghiệp cần sử dụng con tem chống giả có tính pháp lý, có ứng dụng công nghệ chống giả để bảo vệ sản phẩm tốt hơn. Khi có tranh chấp xảy ra hay phát hiện hàng giả dán tem chống giả, cơ quan chức năng mới có cơ sở để giám định, dựa vào tem chống hàng giả để nhận diện hàng thật và xử lý đối tượng làm hàng giả, dán tem chống giả không có tính pháp lý. Về phía người tiêu dùng, khi mua sản phẩm có dán tem chống hàng giả, cần hỏi kỹ xem tem này sử dụng công nghệ gì, cách nào để kiểm tra tem.
“Hầu hết các doanh nghiệp dán tem có sử dụng công nghệ chống giả đều có thông tin hướng dẫn chi tiết để người tiêu dùng biết cách kiểm tra tem, sản phẩm” - ông Hồng nói.
Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM