Thứ Bẩy, 23/11/2024 06:14:18 GMT+7
Lượt xem: 591

Tin đăng lúc 12-07-2023

Cánh cửa sáng phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm

Giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn có những gam màu sáng. Tuy nhiên để phục hồi và phát triển, cần kịp thời kích thích tổng cầu. Khi tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng, sản xuất sẽ được kích hoạt.
Cánh cửa sáng phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm
Sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế dẫn đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên khó khăn (ảnh minh họa). Ảnh: PHAN ANH

Cần kích thích kịp thời tổng cầu

 

Đánh giá tổng quan kinh tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ 3,72%.

 

“Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại. Bên cạnh đó, tình trạng hàng tồn kho tăng lên đáng kể là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt tổng cầu”- PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

 

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm 2023 GDP Việt Nam sẽ đạt mức dưới 5%. Phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024. Sự thiếu hụt tổng cầu (bao gồm các cấu phần tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng) nếu kéo dài sẽ hạn chế tổng cung, làm cho tăng trưởng kinh tế thấp. Tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng thì sản xuất sẽ được kích hoạt, kinh tế mới có thể phục hồi và tăng trưởng.

 

“Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” - đại diện WB khuyến nghị.

 

Tiêu dùng Việt Nam cuối năm 2023 sẽ có sự hồi phục

 

Phân tích về tổng cầu của Việt Nam 6 tháng cuối năm, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nhận định: "Tổng cầu nền kinh tế gồm ba thành phần: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Tiêu dùng Việt Nam cuối năm 2023 sẽ có sự hồi phục.

 

Thứ nhất, nhờ mặt bằng lãi suất đã giảm, kích thích nhu cầu tiêu thụ thay vì tiết kiệm. Thứ hai, sự hồi phục của thị trường tài sản, đặc biệt thị trường chứng khoán giúp tài sản các hộ gia đình cải thiện. Thứ ba, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt so với các năm gần đây giúp cải thiện phần nào tiêu dùng trong nước.

 

Thành phần thứ hai của tổng cầu là đầu tư. Lãi suất giảm xuống thấp hơn giúp cải thiện nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, vì chi phí vốn của doanh nghiệp thấp hơn.

 

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, chi phí vốn là một phần. Điều quan trọng nữa doanh nghiệp đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn rất hạn hẹp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đầu tư Nhà nước tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm nhờ nỗ lực cố gắng của Chính phủ trong việc giải ngân đầu tư công. Đây chính là động lực tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm.

 

Thành phần thứ ba của tổng cầu là xuất khẩu. Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thu nhập của kinh tế thế giới. Hiện nay kinh tế thế giới đang ở tình trạng bấp bênh giữa suy thoái và tăng trưởng thấp. Do vậy chưa thể kì vọng nhu cầu xuất khẩu từ bên ngoài tăng đột biến. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế lớn trên thế giới còn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao, ít nhất hết năm nay" - ông Phạm Thế Anh cho hay.

 

Những gam màu sáng

 

Trao đổi với PV Lao Động, GS.TS Tô Huy Thành - Trưởng phòng quản lí khoa học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) - cho rằng, kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn có những điểm sáng. "Một là tỉ giá ổn định. Lạm phát lõi chưa giảm nhanh nhưng có xu hướng giảm dần. Ngoài ra xuất nhập khẩu nước ta vẫn có thặng dư".

 

Đại diện WB nhận định, thúc đẩy đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế. Các dự án đầu tư công không chỉ tạo thêm việc làm, bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực tư nhân và nước ngoài, mà với mức độ lan tỏa cao sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp “ăn theo” các dự án này và phục hồi dần hoạt động kinh doanh, thúc đẩy cầu tiêu dùng tăng trở lại.

 

Về biện pháp phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm GS.TS Tô Huy Thành cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo bên cạnh các chính sách tiền tệ, cần tập trung nhiều hơn nữa về chính sách tài khóa: "Các chính sách hiện chủ yếu thiên về tài chính tiền tệ. Nếu quá lạm dụng các chính sách tiền tệ, trong khi khu vực doanh nghiệp còn rất yếu để hấp thụ tín dụng, có thể dẫn đến việc không thúc đẩy được sản xuất của doanh nghiệp. Điều này có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như là rủi ro của hệ thống tài chính tiền tệ.

 

Trong giai đoạn khó khăn, khu vực đầu tư công phải là đầu tàu, bệ đỡ. Hiện nay đầu tư công có hiện tượng địa phương hoá, tức là tỉ trọng đầu tư ở khu vực địa phương còn rất lớn, dẫn đến việc dàn trải và khó có hiệu quả. Nên đầu tư vào trọng điểm, tập trung những khu vực có tính lan tỏa lớn như là cơ sở hạ tầng, giáo dục, khoa học công nghệ...".

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang