Chủ Nhật, 24/11/2024 20:19:13 GMT+7
Lượt xem: 756

Tin đăng lúc 31-08-2023

Cảnh giác với 'ma trận' thực phẩm chức năng, bài thuốc trên mạng

Rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, nhưng lại được khẳng định là có công dụng “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”... Những quảng cáo này đang vi phạm quy định của pháp luật và lừa dối người tiêu dùng.
Cảnh giác với 'ma trận' thực phẩm chức năng, bài thuốc trên mạng
Người dân cần cảnh giác khi mua thực phẩm chức năng quảng cáo trên mạng

Quảng cáo thuốc, thật, giả lẫn lộn

 

Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân nữ (52 tuổi), được phát hiện có khối u tại vú phải, được chỉ định phẫu thuật hơn 1 năm trước, nhưng bệnh nhân không nhập viện điều trị, mà nghe lời “thần y” trên mạng, uống thuốc nam và đắp lá. Đến nay, không những bệnh không khỏi mà khối u tăng kích thước, sùi loét, hoại tử, bệnh đã tiến triển giai đoạn 3C, hạch hố nách phải gồm nhiều hạch dính thành chùm. Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt, phải truyền máu và kết hợp xạ trị, hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng mới có thể phẫu thuật.

 

Một trường hợp khác ở Hà Nội, vì muốn sinh con trai, một cô gái 25 tuổi đã tự mua thuốc nam quảng cáo trên mạng xã hội về uống vì tin có hiệu quả. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng vọt nhiều lần và phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây không phải là trường hợp cá biệt, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.

 

Còn một bệnh nhân khác (73 tuổi, bị đau khớp và viêm gan B nhiều năm) cũng nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận, khó thở do trước đó sử dụng thuốc nam gia truyền không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp cá biệt. Theo thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi tháng, BV tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, thường được quảng cáo trên mạng xã hội.

 

Người tiêu dùng cần cảnh giác

 

Theo PGS. TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhận định: “Thực trạng làm giả, làm nhái, gian lận thương mại trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng đã đến mức báo động. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17 yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Nguyên nhân là do các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng chưa nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm, vẫn chưa chủ động, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; có nơi buông lỏng quản lý. Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này vẫn chưa đồng bộ, tính khả thi không cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền, dược liệu”.

 

Vừa qua với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện các quảng cáo thực phẩm chức năng sai phạm, đã giảm hẳn số lượng quảng cáo kiểu “nhà tôi ba đời là thần y”, “loại bệnh gì cũng chữa được hết”… trên mạng xã hội; các cơ quan chức năng cũng tích cực đàm phán với các kênh có máy chủ ở nước ngoài trong việc gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

 

Theo PGS,TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Facebook diễn ra tràn lan. Hầu như ngày nào, cơ quan chức năng cũng kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, nhưng lại được khẳng định là có công dụng “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”... Những quảng cáo này vi phạm quy định của pháp luật và lừa dối người tiêu dùng.

 

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết: Hiện nay, các vi phạm tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài nên khó kiểm soát; khó xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm. Việc tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sỹ, hình ảnh các kênh truyền hình… để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh hiện nay rất dễ dàng.

 

Đặc biệt, chiêu trò các đối tượng thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sỹ, dược sỹ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe... vẫn xảy ra. Thậm chí trên giao diện một số báo điện tử cũng đăng tải hình ảnh sản phẩm, đường link dẫn website quảng cáo sản phẩm vi phạm…

 

Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quan trọng là cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng; không tự ý tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn; mua theo trào lưu hoặc mua trên mạng. Người tiêu dùng phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh đến lực lượng quản lý thị trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Công Đăng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang