Dọc tuyến đường Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đoạn gần Ga Hà Nội, có hàng chục ki-ốt buôn bán quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hiểm, nổi bật trong số đó là đồng phục của các hãng xe ôm công nghệ. Đồng phục của các hãng xe ôm công nghệ đều có màu sắc đặc trưng hơn những chiếc áo bình thường khác. Ví dụ như của Grab là màu xanh lá cây; Bee có màu vàng sọc xanh; GoViet có màu đỏ. Chủ một ki-ốt cho biết: “Mỗi chiếc áo phông dài tay của hãng xe ôm Grab có giá là 120.000 VNĐ, áo khoác là 200.000 VNĐ, mũ bảo hiểm là 100.000 VNĐ. Nếu mua cả bộ áo phông và mũ bảo hiểm thì sẽ có giá là 200.000 VNĐ. Tất cả các mặt hàng đều là hàng chính hãng của công ty”. Theo quan sát của phóng viên, người mua hàng ở đây chủ yếu là sinh viên. Bạn Nguyễn Hữu Chương, sinh viên Trường Đại học Điện lực cho biết: “Mình là sinh viên nên thỉnh thoảng cũng chạy grab kiếm thêm thu nhập. Ban đầu mới có ý định đăng kí, mình được người quen chỉ ra đường Lê Duẩn mua đồng phục cho tiết kiệm chi phí”.
Lợi dụng lòng tin của khách hàng về thương hiệu xe ôm công nghệ, nhiều tài xế đã mua đồng phục bên ngoài, mạo danh Grab, Bee hay GoViet để kiếm lời, lấy cước phí cao hơn khi gặp khách hàng dọc đường. Đại diện hãng xe công nghệ Grab cho biết: “Trong suốt quá trình hợp tác, đối tác tài xế sẽ mua đồng phục. Theo như thỏa thuận, khi ngưng hợp tác, tài xế cần hoàn trả đồng phục và sẽ được thanh toán lại 50% chi phí mua đồng phục khi thanh lí hợp đồng. Hơn hết, phía Grab không hợp tác với bất kì đơn vị nào khác để triển khai bán riêng lẻ đồng phục GrabBike". Bên phía Grab cũng sẽ đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lí triệt để tình trạng buôn bán đồng phục GrabBike hoặc giả mạo đồng phục GrabBike.
Ứng dụng gọi xe ôm công nghệ rất phổ biến trên điện thoại di động
Hiện nay, tình trạng bắt khách dọc đường của nhiều tài xế mặc trang phục xe ôm công nghệ vẫn diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, để đảm bảo yên tâm, khách hàng nên đặt xe qua ứng dụng công nghệ để có một chuyến đi an toàn.
Ngọc Hân