Theo đánh giá, rau quả Trung Quốc nhập vào Việt Nam, sau nhiều năm chiếm lĩnh thị trường, nhưng do mang tiếng là “nhiễm độc” và kém chất lượng nên thị phần teo dần và nhường sân cho rau quả Thái. Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu rau quả vào Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan, với giá trị đạt 722 triệu USD (khoảng 16.000 tỷ đồng), tăng 220% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường Thái Lan được cho là quá khiêm tốn, chỉ bằng 1/20 so với rau quả Thái đổ bộ vào Việt Nam. Với con số trên, lượng hoa quả Thái cao gấp hơn 3 lần lượng hoa quả Trung Quốc (18% thị phần) đổ về Việt Nam.
Được biết, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp (DN) đứng ra nhập khẩu chính ngạch trái cây từ Thái Lan để cung cấp vào hệ thống các kênh bán lẻ, cửa hàng bán buôn, chợ truyền thống. Đặc biệt, các tập đoàn bán lẻ Thái như Central Group, TCC Group sau khi tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đã ồ ạt đưa rau quả Thái nhập khẩu mạnh vào thị trường Việt.
Nếu vào hệ thống siêu thị BigC hay MM Mega Market (tên mới của Metro) sẽ thấy rõ thực tế của việc ồ ạt đưa rau quả Thái vào Việt Nam tiêu thụ như thế nào. Không chỉ có rau quả tươi mà còn có rau quả chế biến nhằm chinh phục người tiêu dùng Việt.
Thế nhưng, mới đây, truyền thông Thái Lan đưa tin, hơn 64% rau quả của nước này không an toàn do dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép, trong đó có các sản phẩm sử dụng khá phổ biến gồm cải xoắn lá, rau má, đu đủ, dứa, nho,... được tiêu thụ tại thủ đô Bangkok và 4 địa phương khác của nước này. Trong số 138 mẫu hoa quả, rau củ được mang đi thử nghiệm, kết quả cho thấy bắp cải và dưa hấu là 2 loại rau quả an toàn, trong khi đó, hơn một nửa số hoa quả và rau củ được dán nhãn Q đảm bảo chất lượng do Văn phòng Quốc gia Thái Lan về Hàng hóa nông nghiệp và Tiêu chuẩn thực phẩm lại có lượng chất độc hại, đặc biệt 100% mẫu ớt đỏ bị nhiễm thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Khỏi nói, thông tin trên đã khiến người tiêu dùng Việt đang hoang mang như thế nào và việc người tiêu dùng lo lắng sợ mua phải hàng nhiễm độc là có cơ sở bởi rau quả Thái đang được bán tràn lan tại Việt Nam. Trong khi đó, không cơ quan chức năng nào dám chắc rằng tất cả nguồn hàng nhập khẩu từ Thái Lan về đều an toàn. Bởi, ngoài nguồn hàng nhập chính ngạch còn có nhập tiểu ngạch, hàng xách tay. Đó là chưa kể, hàng rào kỹ thuật của ta còn khá lỏng lẻo, hầu như mới chỉ kiểm tra được phần ngọn.
Giới chuyên gia cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng cũng như ngành rau quả trong nước, điều nên làm hiện giờ là cần có hàng rào kỹ thuật đối với những loại rau quả Thái có nghi vấn nhiễm các chất độc hại như kết quả báo cáo của Thai-PAN, trong đó hàng rào kỹ thuật không phải để hạn chế nhập khẩu mà là để nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, nếu không, chúng ta không bao giờ cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Bình An