Theo đánh giá mới nhất của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International (EI), doanh thu thực phẩm đóng gói tại Việt Nam trong năm 2016 có thể sẽ đạt khoảng 10,3 tỷ USD. Trong đó, 59% doanh thu đến từ các cửa hàng bán lẻ độc lập.
Như dự báo của tập đoàn này, dự kiến tăng trưởng của ngành thực phẩm đóng gói ở Việt Nam trong 5 năm tới sẽ là 26%.
Dư địa lớn
Bà Emil Fazira - chuyên gia của EI, cho rằng dư địa của ngành này ở Việt Nam còn rất lớn. Trên thực tế, mức tiêu thụ thực phẩm đóng gói trên đầu người ở Việt Nam vẫn còn thuộc loại thấp so với trong khu vực và trên thế giới.
Qua phân tích thị trường, sản phẩm sữa chính là yếu tố mạnh mẽ đóng góp vào ngành thực phẩm đóng gói ở Việt Nam, chiếm tỷ trọng đến 40%. Nhưng, nếu để nói về các công ty Việt Nam ngày càng trở nên toàn cầu, chủ yếu là về mì ăn liền với các thương hiệu như VIFON, Thiên Hương Food, Colusa Miliket, Tan Tan Food.
Bên cạnh đó, trên thị trường thực phẩm đóng gói hiện nay có thể thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều và đóng vai trò lớn của những công ty thực phẩm toàn cầu. Điển hình với Thụy Sĩ là Nestlé; Hà Lan có Royal Friesland Capina; Mỹ là Modelez International, Abbott; Nhật Bản thì có Ace Cook, Ajinomoto, Meiji…
Trước sự tấn công của khối ngoại, theo thống kê, những phân ngành có tỷ lệ phần trăm thấp nhất của các công ty thực phẩm đóng gói Việt là phô mai, bánh kẹo, sữa công thức…
Giới chuyên gia thực phẩm đóng gói nhận định, đang có sự cạnh tranh gia tăng từ các thương hiệu ngoại trên thị trường trong nước, nhất là vấn đề về giá từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết. Chẳng hạn với TPP, trong tương lai với mức thuế thấp, được cho là sẽ ảnh hưởng đến việc định giá và sự sẵn có của sản phẩm.
Chia sẻ với đông đảo DN thực phẩm tại hội thảo quốc tế Công nghiệp thực phẩm, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại Tp.HCM, ngày 17/11, đại diện của Tập đoàn EI cho biết, trên thị trường thực phẩm Việt Nam hiện nay, các DN nội địa chỉ có thể chiếm thị phần khoảng 40%, phần còn lại đang nằm trong sự phân chia của khối ngoại.
Theo giới chuyên gia, vấn đề thách thức với các DN thực phẩm nội nằm ở công nghệ và khả năng. Cụ thể là khả năng sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D) và công nghệ phát triển đóng gói sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần lưu ý về xu hướng mới của sản phẩm, khi mà người tiêu dùng ngày càng hướng đến xu hướng khu vực và toàn cầu.
Phân chia “miếng bánh thị phần”
Đưa trường hợp của Nutifood ra để dẫn chứng, bà Emil Fazira cho rằng sức mạnh của hãng này ở chỗ là đối tác với những công ty trong ngành và được sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài về mặt công nghệ, xác nhận. Hơn nữa, đây là thương hiệu có độ nhận diện tốt, có nền tảng về dinh dưỡng.
Tuy nhiên, điểm yếu của nhãn hàng này nằm ở chỗ tập trung quá nhiều vào thị trường nội địa trong khâu bán hàng, cũng như sản xuất; danh mục sản xuất có quy mô nhỏ so với những công ty khác và không có cửa hàng bán lẻ riêng.
Thực tế cho thấy, trong mảng thực phẩm đóng gói thuộc về mặt sức khỏe dinh dưỡng vẫn còn rất rộng với các DN, bởi yếu tố hẫp dẫn với người tiêu dùng khi hiểu và giải quyết vấn đề thiếu hụt về dinh dưỡng. Chưa kể, nhu cầu lớn còn đến từ các bệnh viện, các cơ quan nhà nước, trường học. Và, việc định vị về sức khỏe đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Nhưng, không vì thế mà không có thách thức lớn, nhất là khi đây là ngành hàng có sự cạnh tranh cao cả trong nước và quốc tế. Sức khỏe thay vì định vị về thực phẩm có thể làm thay đổi sự hiện diện trên một ngành hàng cụ thể. Ngay như khả năng thay đổi giá trần của sữa công thức cũng chính là một thách thức.
Dự báo về triển vọng ngành thực phẩm đóng gói Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021, EI cho biết các sản phẩm sữa sẽ có mức tăng trưởng tốt nhất và có thể sẽ đạt doanh thu 13 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 41%, tăng 5,2% so với trước đó).
Bởi lẽ với mức tăng dân số, tỷ lệ gia tăng giới tính nữ cũng như tương lai tăng dân số già là cơ hội để ngành sữa tăng trưởng tốt. Phần còn lại sẽ thuộc về nguyên liệu thực phẩm (chiếm tỷ trọng 23%, tăng 3,9%), thành phần nấu nướng (chiếm 22%, tăng 4,5%) và đồ ăn (chiếm 14%, tăng 4,8%).
Trước viễn cảnh tăng trưởng như vậy, cộng với sự “thèm thuồng” về “miếng bánh thị phần” thực phẩm đóng gói tại Việt Nam, theo khuyến cáo của giới chuyên gia, có ba điểm mà các DN thực phẩm đóng gói nội địa cần nhớ.
Đó là thực phẩm Việt Nam đang có xu hướng ngày càng trở nên quốc tế; tốc độ tăng trưởng theo bình quân ngành hàng đối với sự tham dự của các tập đoàn đa quốc gia trong việc chia sẻ “miếng bánh thị phần”; sự cần thiết để thiết lập thị trường ngách dựa trên năng lực của mỗi DN.
Để có sự lựa chọn hợp lý, các DN thực phẩm đóng gói nội địa cần tạo đòn bẩy xu hướng từ các thị trường khác. Đồng thời đưa ra những sản phẩm tương tự với điểm giá thấp hơn.
Riêng với mảng thực phẩm dinh dưỡng, trọng tâm của DN nội là cần giải quyết việc thiếu hụt dinh dưỡng hiện tại và xây dựng cơ sở mạnh mẽ về sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu. Và, điều quan trọng là cần xây dựng sự nhận diện trong nước trước khi xuất khẩu sang thị trường khác.
Nguồn Thời báo Kinh doanh