Theo BCĐ 389 Quốc gia, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình thị trường, sức khỏe, quyền lợi người dân, an ninh, an toàn xã hội.
Chính vì thế, việc đưa ra Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, như: vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, pháo hoa, ma túy; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết, như: hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc,...
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn và lĩnh vực quản lý có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng nắm vững diễn biến tình hình, chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Trước đó, thống kê của Ban Chỉ đạo 389 cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2017, vấn nạn buôn lậu và buôn bán hàng giả vẫn diễn ra khá nóng. Theo cơ quan chức năng, có dấu hiệu các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường xuyên có sự dịch chuyển hàng hóa nghi vấn qua lại giữa các cảng. Các đối tượng còn gian lận trong việc nhập-xuất kho ngoại quan tái xuất đi các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Ngoài ra, tội phạm còn lợi dụng chính sách hàng quá cảnh để khai báo sai, trong quá trình vận chuyển sẽ rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam hoặc thẩm lậu ngược vào Việt Nam qua đường mòn biên giới.
Mặt hàng buôn lậu nhiều nhất trong năm qua chủ yếu là điện thoại di động, xì gà, lá khô chứa chất ma túy và chất hướng thần; mặt hàng thuộc danh mục CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) như ngà voi cất giấu trong các hộp gỗ đóng trong container khai báo là gỗ xẻ hộp nhập khẩu từ châu Phi...
Kết quả, chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 181.000 vụ việc vi phạm (tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2016); thu ngân sách Nhà nước đạt gần 19.000 tỷ đồng; khởi tố trên 1.600 vụ vi phạm, hơn 2.000 đối tượng.
Nguồn VietQ