Thứ Sáu, 22/11/2024 12:28:52 GMT+7
Lượt xem: 2868

Tin đăng lúc 02-08-2016

Chặn đứng đà suy giảm tăng trưởng công nghiệp và thương mại trong 6 tháng cuối năm

Sáu tháng đầu năm, kinh tế nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu và môi trường biển. Rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và hiện tượng cá chết hàng loạt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Chặn đứng đà suy giảm tăng trưởng công nghiệp và thương mại trong 6 tháng cuối năm
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử 6 tháng đầu năm có chiều hướng tăng

Kinh tế toàn cầu tăng, nhưng với tốc độ chậm lại. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và EU tăng trưởng yếu. Giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức thấp, thương mại và đầu tư toàn cầu kém sôi động, dòng vốn lưu chuyển đang giảm, cùng với biến động khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới đã tác động đến kinh tế nước ta, nhất là hoạt động xuất khẩu và thu ngân  sách nhà nước.

 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%. Trong mức tăng 5,52% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12% (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 7,09%), đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35% (quý I tăng 5,98%; quý II tăng 6,68%), đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18% (quý I giảm 1,31%; quý II tăng 0,36%), làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014, nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.

 

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,6%; quý II tăng 7,5%), thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1%, đóng góp 7,1 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,7%, đóng góp 0,8 điểm %; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,1%, đóng góp 0,1 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 2,2% (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm 6,1%), làm giảm 0,5 điểm % mức tăng chung.

 

Về hoạt động xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá xuất khẩu bình quân giảm 3,85%), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đạt 85,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, tăng 16,7%; dệt may đạt 10,7 tỷ USD, tăng 5,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,9 tỷ USD, tăng 7,1%; giày dép đạt 6,3 tỷ USD, tăng 8,8%. Một số mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,7%; dầu thô đạt 1,1 tỷ USD, giảm 46,6% (lượng giảm 23%); sắt thép đạt 832 triệu USD, giảm 5,2%; cao su đạt 530 triệu USD, giảm 12,3%. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 37,4 tỷ USD, tăng 6,3% và chiếm 45,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,2 điểm %). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 33,5 tỷ USD, tăng 5,1% và chiếm 40,7% (giảm 0,3 điểm %). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8% và chiếm 10,1% (tăng 0,2 điểm %). Hàng thủy sản ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 4,4% và chiếm 3,7% (giảm 0,1 điểm %). Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 17,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 16,3 tỷ USD, tăng 9,8%; Trung Quốc đạt 9,2 tỷ USD, tăng 14,3%; Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 39%. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, giảm 12,6%; Nhật Bản đạt 6,6 tỷ USD, giảm 1,3%.

 

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 47,3 tỷ USD, giảm 1,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá nhập khẩu bình quân giảm 7,8%), kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đạt 87,5 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015.

 

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện,tính chung 6 tháng đầu năm xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%.

 

Như vậy, 6 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu phát triển công nghiệp và thương mại đều đạt đạt thấp so với một số năm trước đây.

 

Để góp phần hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, trong thời gian tới, ngành Công Thương cần có những giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tạo điều kiện thuận lợi và tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có giải pháp phục hồi tăng trưởng của ngành công nghiệp, nhất là chế biến hàng xuất khẩu; Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; Tiếp tục triển khai theo kế hoạch tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bảo đảm đúng tiến độ, công khai, minh bạch; Đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư ngành công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất.

 

Khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta; Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; Nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp để khắc phục; Chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết./.

 

 Hà Xuân


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang