Thứ Ba, 05/11/2024 00:41:02 GMT+7
Lượt xem: 471

Tin đăng lúc 18-08-2023

Chặn hàng nhập lậu, giá thịt lợn trong nước vẫn quay đầu giảm

Lợn nhập lậu từ Thái Lan và Campuchia đã được kiểm soát chặt, song giá mặt hàng này ở nước ta vẫn không thể tăng, thậm chí đang quay đầu giảm.
Chặn hàng nhập lậu, giá thịt lợn trong nước vẫn quay đầu giảm
Sức mua trên thị trường yếu là nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm (Ảnh: Anh Nguyễn)

Chiều 17/8, ông Nguyễn Văn Chinh - Quản lý Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam - chia sẻ với PV. VietNamNet, lượng hàng đổ về chợ không nhiều, nhưng giá lợn hơi chỉ dao động từ 59.000-60.000 đồng/kg. Mức giá này duy trì 4-5 ngày nay. So với thời điểm giữa tháng 7 vừa qua, giá đã giảm khoảng 7.000 đồng/kg.

 

“Hàng vẫn ế. Lượng lợn về chợ chỉ 900-1.000 con/ngày, song không tiêu thụ hết được”, ông Chinh nói. Theo ông, các lò giết mổ nhỏ lẻ mỗi ngày thường bắt khoảng 10 con lợn về làm hàng, nay giảm còn 2-3 con. Đây cũng là lý do giá lợn khó bật tăng trở lại dù hàng lậu đã được ngăn chặn.

 

Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT, cũng thừa nhận, ông đang xuất bán lợn hơi với giá 59.000 đồng/kg. Mức giá này giảm khá nhiều so với giữa tháng 7 vừa qua.

 

Cũng may, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, giá cám thời gian qua đã mấy lần điều chỉnh giảm. Do đó, xuất bán lợn hơi với giá hiện tại, ông Bắc vẫn lãi, dù không nhiều. 

 

Theo ông Bắc, ở mức giá 57.000-59.000 đồng/kg, các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tự sản xuất được con giống có lãi; còn chăn nuôi nhỏ lẻ thì hoà vốn nếu giữ được đầu con và ngược lại.

 

Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá lợn hơi có xu hướng giảm dần khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng, sợ rơi vào cảnh thua lỗ như những tháng đầu năm.

 

Khảo sát giá lợn hơi xuất chuồng ngày 17/8, chỉ một số tỉnh phía Bắc giữ được mức giá 60.000-61.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung và miền Nam, giá lợn tiếp tục giảm về mức 57.0000-59.000 đồng/kg.

 

Nguyên nhân dẫn đến giá lợn hơi quay đầu giảm, ông Nguyễn Công Bắc cho rằng, thời gian qua lợn nhập lậu về nhiều ảnh hưởng đến giá mặt hàng này trong nước. Bởi cung tăng nhưng cầu không tăng. Còn thời điểm này đã bước sang tháng 7 Âm lịch - người dân có xu hướng ăn chay nhiều nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất yếu.

 

Chưa kể, năm học mới đã cận kề. Các gia đình phải chi cho khoản sách vở, quần áo,... của con, trong khi thu nhập không tăng nên càng phải “thắt lưng buộc bụng hơn”. Thành ra thịt lợn ế, giá giảm. 

 

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cũng lý giải, vừa qua lợn nhập lậu ồ ạt về Việt Nam, nhưng ngay sau đó Chính phủ và Bộ NN-PTNT cùng có chỉ đạo kiểm soát chặt, ngăn chặn hàng lậu.

 

Hiệu quả thấy rõ, lợn nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan về Việt Nam những ngày gần đây giảm hẳn.

 

“Nhiều người nghĩ khi chặn được hàng lậu, giá lợn hơi trong nước sẽ bật tăng trở lại”, ông nói. Tuy nhiên, tháng 7 Âm lịch là mùa ăn chay, theo quy luật của thị trường đây là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp nhất trong năm. 

 

Ngoài ra, đang giao mùa nên dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Nhiều trang trại sợ dịch phải bán lợn sớm (tức lợn chưa đủ cân) với giá thấp để thu hồi vốn. 

 

“Ở mức giá như hiện nay, người chăn nuôi hoà gốc hoặc có lãi nhẹ. Song, cung vẫn vậy nhưng cầu lại yếu nên giá khó tăng”, ông Đoán nói.

 

Theo ông, phải qua tháng 7 Âm lịch giá lợn mới có thể phục hồi. Đó cũng là thời điểm bếp ăn tập thể ở các trường học hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng lên.

 

Theo Vietnamnet


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang