Không khó để nhận ra sự háo hức của rất nhiều gương mặt trong hàng nghìn người cùng chen nhau để có được một suất vào cửa ở hội thảo Blockchain Festival diễn ra tại TPHCM ngày 24/5. Họ không phải là các nhà công nghiệp hay doanh nhân theo nghĩa truyền thống mà đa phần đều là những người trẻ và rất nóng lòng được tiếp cận với một trào lưu công nghệ đang trở thành từ khóa khá “hot” thời gian gần đây - công nghệ Blockchain (chuỗi khối).
Nói một cách đơn giản và ngắn gọn thì Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Công nghệ Blockchain có thể chống lại sự thay đổi dữ liệu và chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các “nút” trong hệ thống. Điều này có thể giúp hệ thống trao đổi dữ liệu vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường và bảo mật thông tin khi một phần của hệ thống gặp rủi ro bị tấn công.
Trong cuộc chạy đua công nghệ này, dường như ngành tài chính đang vượt lên phía trước. Có thể dễ dàng nhận thấy bầu không khí ấy khi thông tin về các sản phẩm tài chính ứng dụng Blockchain xuất hiện ở khắp nơi, từ các cuộc gọi điện thoại cá nhân, email, tờ rơi giới thiệu dịch vụ, đến cả các quảng cáo online, offline; hoặc giả cũng không khó để nghe thấy những cuộc trò chuyện chớp nhoáng về các khoản đầu tư vào tiền ảo, vào bitcoin hay vào vô số những tài sản tài chính khác…
Tuy nhiên, nếu tạm gác lại những tranh cãi về sự rủi ro và tính pháp lý của một số hoạt động đang được cho là dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain như vừa kể thì Blockchain đang được giới kinh doanh và công nghệ nhìn nhận một cách hết sức nghiêm túc, với sự xuất hiện của những cái tên doanh nghiệp công nghệ mới toanh nhưng đã quy tụ được cả trăm nhân lực chuyên môn trình độ cao tại Việt Nam (Ininitive Blockchain Labs, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Blockchain Qnet…) hay các câu lạc bộ Blockchain ở tầm quốc gia, các cuộc thi dành cho Start-up muốn ứng dụng Blockchain…
Gần đây nhất là thông tin về việc HSBC Việt Nam thông báo Tập đoàn mẹ của họ đã cùng với ING Bank (Hà Lan) thực hiện thành công giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ Blockchain cho Cargill - một tập đoàn quốc tế về nông nghiệp và thực phẩm. Nhờ công nghệ này, thời gian trao đổi chứng từ giữa các bên liên quan đã được rút ngắn về còn 24 giờ, thay vì mất từ 5 đến 10 ngày theo cách thức truyền thống.
Còn trong một cuộc hội nghị diễn ra hồi tháng 4 vừa qua của ngành logistics Việt Nam, Blockchain đã được đề cập với kỳ vọng có thể giúp các doanh nghiệp giám sát quá trình vận chuyển, tình trạng và tính xác thực của hàng hóa theo thời gian thực một cách chuẩn xác hơn.
Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Infinitive Blockchain Labs nhận định những lĩnh vực dẫn đầu về ứng dụng Blockchain sẽ là công nghệ tài chính (fintech), giáo dục, y tế và logistics.
Lên khung pháp lý cho blockchain: Cần ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp
Cùng với quá trình hội nhập, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kinh tế số - nơi mà tác động công nghệ có thể lan đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo TS. Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc tiếp cận và khai thác công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là các công nghệ có tính đột phá như Blockchain có vai trò hết sức quan trọng dù là một công việc không dễ dàng.
Công nghệ không chỉ tạo ra những hiệu quả đặc biệt mà trong một số trường hợp cũng đồng thời phá vỡ các cấu trúc kinh doanh truyền thống, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều tập thể… Chính vì vậy, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên cũng như có cách tiếp cận, có tiêu chí phù hợp để công nghệ đi vào thực tế là thách thức của nhiều quốc gia, kể cả các nước tiên tiến như G20 nói chung và Việt Nam nói riêng suốt thời gian qua.
Hiện các cơ quan chức năng đang xúc tiến nghiên cứu chính sách cho blockchain với chủ trương là mỗi mô hình blockchain khác nhau sẽ có những yêu cầu và các vấn đề cần cân nhắc khác nhau. Trong đó, những yếu tố có tính pháp lý sẽ được quan tâm gồm có: môi trường kết nối các doanh nghiệp không qua bên thứ 3, nguyên tắc kiểm soát tính tin cậy, cách thức xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan, hiệu năng của hệ thống…
“Những người xây dựng chính sách cho Blockchain của Việt Nam đang rất cần lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia lẫn giới kinh doanh trong và ngoài nước để công nghệ Blockchain được áp dụng phù hợp với phúc lợi và sự thịnh vượng chung của xã hội”, ông Đào Đình Khả cho biết.
Ông Lê Ngọc Giang (Phòng Luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp) - một trong những chuyên gia soạn thảo khuôn khổ pháp lý đối với tiền ảo cũng cho biết “từ góc nhìn của người xây dựng chính sách, có thể nói chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của Blockchain. Vì vậy, Việt Nam đang nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ để phát triển công nghệ này. Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên có thể sẽ được quan tâm nhiều hơn và có chính sách khuyến khích trước.”
Theo nhận định của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, trong đó có World Bank, Blockchain hiện là một trong số 12 hai trụ cột đang giúp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra tại nhiều nước và bước đầu có những kết quả đáng khích lệ.
Theo báo Chính phủ