Chúng ta đón năm mới 2019 sau một năm có thể nói là trọn vẹn trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với toàn bộ 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó nổi bật là tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra và đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Đáng mừng hơn, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện và Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhiều ý kiến đã coi đây là những kỳ tích trong bối cảnh đầu nhiệm kỳ này, đất nước đứng trước những “bề bộn khó khăn” và tình hình thế giới đang biến động mạnh mẽ. Nhìn về tổng thể, thế và lực của ta đã khác trước, đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên.
Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực cũng có những chuyển biến tích cực, rõ rệt. Nhiệm vụ này Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt.
Những kết quả đạt được đã tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016-2020, giúp việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm trở nên hoàn toàn khả thi, đồng thời tiếp tục củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, không khí phấn khởi, tin tưởng tiếp tục lan rộng khắp cả nước.
Những thành tựu này đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của Chính phủ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay, chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh với các bộ, ngành, địa phương, mức thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 USD không có gì quá phấn khởi, “phải là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân người dân thấp như thế”.
Ngân hàng Thế giới đã tổng kết và chỉ ra rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, số các quốc gia thoát được đói nghèo để đạt mức thu nhập trung bình là không nhiều, và số các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển còn ít hơn nữa. Việt Nam đang ở vào giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn, thách thức này
Trong bối cảnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” trong năm 2019 - năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011-2020. Năm 2019 cũng là năm rất đặc biệt - Năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại nhiều sự kiện gần đây, Người đứng đầu Chính phủ đã đề cập tới mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn. Theo đó, đến năm 2045- mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Tại một hội nghị đầu năm 2018, Thủ tướng cũng đã đặt vấn đề “Việt Nam phấn đấu trở thành một con hổ kinh tế mới, tại sao lại không”.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của khát vọng vươn lên hùng cường, thịnh vượng, của tinh thần dân tộc. Những yếu tố này sẽ mãi mãi là sức mạnh hạt nhân của chúng ta, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, là ý chí của “Con Lạc cháu Hồng” đã từng tạo ra biết bao kỳ tích lịch sử và sẽ tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước.
Cùng với đó, theo Thủ tướng, trong bối cảnh thế giới biến động khó lường và làn sóng công nghệ đang lan rộng toàn cầu, trở thành trào lưu cách mạng, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra càng đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Để có xung lực mới cho phát triển, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhìn lại thực tế Việt Nam, có thể thấy khát vọng hùng cường, thịnh vượng là khát khao cháy bỏng của người dân và năng lượng, tiềm năng phát triển là rất lớn. Chỉ cần nhìn vào tinh thần cổ vũ của người dân trước các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam là có thể thấy được phần nào tinh thần, khát vọng vươn lên ấy. Và rõ ràng, tinh thần ấy không chỉ trong bóng đá.
Trong bối cảnh mới, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ ngày càng quyết liệt và khắc nghiệt. Thực tiễn đang đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm. Chỉ khi mọi tiềm năng được khai phá, mọi sự sáng tạo được bùng nổ, đất nước ta nhất định sẽ tự tin bước vào chặng đường mới, nắm bắt được những cơ hội lịch sử đang mở ra phía trước.
Nguồn Chinhphu