Thứ Ba, 26/11/2024 00:44:56 GMT+7
Lượt xem: 2004

Tin đăng lúc 08-06-2018

Chất lượng vải thiều Bắc Giang tốt nhất so với những năm qua

Đó là khẳng định của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tại Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang năm 2018, diễn ra sáng ngày 8/6.
Chất lượng vải thiều Bắc Giang tốt nhất so với những năm qua
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm các gian hàng nông sản của tỉnh Bắc Giang

Chất lượng là thước đo để tiêu thụ

 

Niên vụ vải thiều Bắc Giang năm 2018 kỳ vọng sẽ được mùa, được giá. Thay vì, đẩy mạnh diện tích trồng vải như năm trước thì nay địa phương này thu hẹp diện tích và đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng quả vải.

 

Theo ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, diện tích trồng vải thiều năm 2018 duy trì trên 28.000ha (giảm gần 1.000ha so với năm trước). Năm nay thời tiết thuận lợi nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, sản lượng ước đạt từ 150-180 nghìn tấn. Riêng với vải thiều được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích 13.500ha, sản lượng ước đạt 90 nghìn tấn; theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang tất cả các thị trường khó tính trên thế giới có diện tích 218,5ha, sản lượng đạt trên 10 nghìn tấn. Bình diện chung có thể khẳng định, vải thiều năm 2018 của Bắc Giang có chất lượng cao nhất trong những năm vừa qua.

 

 

Để có kết quả này, trong năm qua, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, trong đó tập trung vào hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc vải thiều; mở rộng các vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn an toàn, hướng tới 100% diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết, Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường. Để tập trung khai thông các thị trường tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, địa phương chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều. Năm 2018, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 80.000-90.000 tấn, chiếm 50%; xuất khẩu (XK) đạt 50%.

 

 

Vải thiều Bắc Giang được đánh giá cao tại diễn đàn

 

Đối với thị trường nội địa, Bắc Giang xác định, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng. Đến nay, vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Hapro, BigC, các chợ đầu mối hoa quả ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Đông Nam bộ.

 

Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi xuất khẩu tiêu thụ ở thị trường này. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung nâng cao sản lượng XK vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng thị trường XK khác như Trung Đông, Thái Lan, Canada… “Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký thu mua vải thiều để đưa vào thị trường Mỹ, Australia, EU, Trung Đông, Canada và Thái Lan”,  ông Trần Quang Tấn chia sẻ.

 

Là DN có nhiều năm góp phần đưa quả vải Lục Ngạn sang thị trường kỹ tính như Australia, châu Âu, Thái Lan…, ông Vũ Đào, Công ty TNHH Phong Tiệm Sơn chia sẻ: Nói đến vải thiều người ta nhớ ngay đến vải thiều Lục Ngạn. Ngoài năng suất được nâng cao thì chất lượng quả vải của Lục Ngạn rất tốt, do người dân đã biết tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp đã tạo nên diện tích trồng vải thiều được thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

 

 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để tiêu thụ tốt vải thiều cần đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa các vùng sản xuất nông sản

 

Tập trung đổi mới xúc tiến

 

Để chủ động giúp người dân tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã lên các phương án xúc tiến tiêu thụ vải ngay từ sớm. Ngày 29/5 vừa qua, một hội thảo xúc tiến tiêu thụ vải đã được tổ chức tại thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc). Được biết, vào vụ thu hoạch rộ, mỗi ngày có hàng nghìn tấn vải được thông quan tại đây, trước khi chuyển sâu vào nội địa Trung Quốc.

 

Ông Trần Quang Tấn thông tin, hội nghị đã được hàng trăm doanh nhân, đại diện các địa phương, ngành chức năng nước bạn ủng hộ. Các thương nhân và khách hàng mua vải thiều tại đây đều đánh giá cao chất lượng vải thiều Bắc Giang. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Giang sang tận nước bạn xúc tiến tiêu thụ vải. Ngay từ năm 2017, một hội nghị quy mô cũng đã được tổ chức tại trung tâm thị trấn Bằng Tường. Tại hội nghị này, cả hai đều đạt được nhiều thỏa thuận trong việc lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuật lợi thì lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và quả vải nói riêng chưa mang tính bền vững.

 

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, mặc dù vải thiều là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang, đã được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP và GlobalGAP với chất lượng vượt trội. Tuy nhiên, để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi, Bắc Giang phải thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, bám sát nhu cầu của thị trường; tránh phát triển theo phong trào, thiếu kiểm soát, cùng với đó là quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Trước mắt, tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ hậu cần hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố để thông tin kết nối cung cầu, ổn định; chào hàng các DN, thương nhân đến đàm phán, tiêu thụ vải thiều.

 

“Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ động đàm phán với các cơ quan đồng cấp của các nước đã ký FTA với Việt Nam, để đẩy mạnh XK các mặt hàng nông sản. Đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ Visa tại chỗ của cửa khẩu Hữu Nghị và mô hình thông quan “Hai quốc gia một kiểm tra”. Nghiên cứu có cơ chế riêng cho phát triển thị trường các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, mang tính mùa vụ như quả vải thiều”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ.

 

Để mở rộng tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa và XK, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bắc Giang cần ổn định, duy trì diện tích nuôi, trồng đúng theo quy hoạch, tăng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... đảm bảo tiêu chuẩn nông sản sạch phục vụ thị trường trong nước và đặc biệt là thị trường xuất khẩu. “Đối với thị trường nội địa, quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thông qua các hoạt động kết nối cung cầu giữa các vùng sản xuất nông sản với các chợ đầu mối nông sản, trung tâm thương mại và siêu thị tại các thành phố lớn”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

 

 Lễ cắt băng xuất hành chuyến vải thiều Lục Ngạn đi TP. Hồ Chí Minh

 

Theo báo Công Thương

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang