Thứ Bẩy, 23/11/2024 05:53:18 GMT+7
Lượt xem: 690

Tin đăng lúc 29-07-2022

Chi 900 triệu USD nhập khẩu rau quả, hàng ngoại giá rẻ chưa từng có

Chỉ trong vòng 6 tháng, Việt Nam chi gần 900 triệu USD nhập khẩu rau quả. Theo đó, nhiều loại trái cây ngoại được chất đống tại siêu thị, rao bán la liệt trên “chợ mạng” với giá rẻ chưa từng có.
Chi 900 triệu USD nhập khẩu rau quả, hàng ngoại giá rẻ chưa từng có
Trái cây Việt cần nâng cao chất lượng để cạnh tranh với hàng ngoại trên "sân nhà"

Trái cây ngoại giá ngày càng rẻ

 

Gần 2 tháng nay, chị Mạc Thị Kim Thoa ở Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) phải đối diện với cơn “bão giá” khi giá xăng dầu tăng kỷ lục. Giá hàng hoá ồ ạt tăng theo, chị cầm tiền đi chợ hay siêu thị cứ như bị đánh rơi. Cũng may, trong giỏ hàng hoá mà chị thường mua, giá trái cây vẫn còn “dễ thở”, đặc biệt là trái cây nhập khẩu giá giảm hơn trước khá nhiều.

 

Như hôm qua, cầm 100.000 đồng vào siêu thị, chị Thoa có thể mua 2kg táo nhập khẩu từ New Zealand, Nam Phi hay Mỹ,... nhờ các loại táo này giá chỉ dưới 50.000 đồng/kg, trong khi chất lượng tươi ngon, giòn ngọt.

 

“Cách đây nửa tháng tôi còn mua nho xanh Úc không hạt chỉ 39.000 đồng/kg. Nho này quả to, giòn như cà pháo, lại siêu ngọt, nhưng giá thì rẻ hơn cả nho Ninh Thuận bán trên thị trường”, chị kể.

 

Trước kia, với chị Đào Thị Liên ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội), trái cây ngoại là loại hàng hoá cao cấp, chị hiếm khi mua. Bây giờ, rất nhiều loại trái cây nhập khẩu giá đã hạ về phân khúc bình dân, thậm chí có loại còn siêu rẻ.

 

Ví như giá kiwi vàng chị mua ở thời điểm hiện tại chỉ 80.000 đồng/kg khi mua nguyên thùng 3,5kg. Nho đỏ Chile quả to, ngọt lịm giá 69.000 đồng/kg. Còn các loại táo đa phần giá chỉ dưới 50.000 đồng. Thậm chí, táo Fuji Nam Phi giá một bịch 3kg chỉ 135.000 đồng, tức mỗi 1kg có giá 45.000 đồng/kg.

 

“Mức giá này nếu đem so sánh thì còn rẻ hơn mặt bằng trái cây Trung Quốc có bán tại chợ và siêu thị hiện nay”, chị chia sẻ.

 

Ghi nhận của PV. VietNamNet, trái cây nhập khẩu những ngày này được chất đống trong siêu thị, cửa hàng, tràn ra cả chợ truyền thống và được rao bán la liệt khắp “chợ mạng”. Đáng nói, nhiều loại trái cây nhập khẩu có giá vô cùng rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng 1kg.

 

Đơn cử, tại một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội đang có bán tới 13 loại táo nhập khẩu từ các nước. Song, chỉ 4 loại được niêm yết với giá bán trên 50.000 đồng/kg, còn lại đều có mức giá dao động từ 40.000 đồng đến dưới 50.000 đồng/kg. 

 

Tương tự, kiwi được bán với giá từ 80.000-90.000 đồng/kg tuỳ loại, nho Chile 70.000-80.000 đồng/kg, cam Úc giá 65.000 đồng/kg, cam Ai Cập giá cũng chỉ 50.000 đồng/kg…

 

Theo anh Trần Văn Thái, chủ một cửa hàng trái cây Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), có nhiều loại trái cây nhập khẩu giá vẫn khá cao, lên tới trên 200.000 đồng/kg, hoặc đắt đỏ hơn. Nhưng cũng có loại giá tương đối rẻ. Thậm chí, so với mặt bằng trái cây Trung Quốc, giá trái cây nhập từ Chile, New Zealand, Nam Phi, Úc, Mỹ,... dịp này còn rẻ hơn.

 

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi tới 884,3 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2021. 

 

Hàng nội gặp khó ngay trên “sân nhà”

 

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng của hầu hết các loại trái cây đều có xu hướng tăng, như xoài đạt 590,6 nghìn tấn, vải 170 nghìn tấn, nhãn 183,9 nghìn tấn, dứa 426,7 nghìn tấn, cam 490,8 nghìn tấn, bưởi 282,8 nghìn tấn, chôm chôm 188,3 nghìn tấn, chuối 1.292 nghìn tấn… Riêng thanh long sản lượng đạt 606,8 nghìn tấn, giảm 7,4%.

 

Xuất khẩu rau quả nửa đầu năm nay đạt gần 1,68 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc (khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu) giảm tới 34%.

 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, chỉ tính riêng sản lượng cây ăn quả chính ở phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn. 

 

Khi xuất khẩu gặp khó, áp lực tiêu thụ sẽ đổ dồn vào thị trường nội địa. Nhưng việc sản lượng tăng, xuất khẩu giảm, hàng ngoại lại đổ bộ thị trường với khối lượng lớn và giá rẻ khiến trái cây trong nước phải cạnh tranh khốc liệt hơn ngay trên “sân nhà”.

 

Thực tế, nửa đầu năm nay, nhiều loại trái cây đến mùa thu hoạch rơi vào tình trạng bế tắc đầu ra, giá rớt thảm. Đơn cử, ở các vựa xoài giá đồng loạt giảm mạnh, có thời điểm xoài Đài Loan còn 500 đồng/kg, xoài Cát Chu giảm còn 8.000-10.000 đồng/kg, giá xoài Úc có loại chỉ 2.000-5.000 đồng/kg. 

 

Đầu năm nay, ở các thủ phủ dưa hấu Gia Lai, Phú Yên, Bình Định,... giá dưa còn xuống đáy, chỉ hơn 2.000 đồng/kg. Nông dân trồng thanh long cũng thua lỗ nặng khi giá mặt hàng này rớt thảm.

 

Trên thị trường, thanh long, dưa hấu... bán la liệt trên vỉa hè hay “chợ mạng”, giá chỉ từ 4.000-6.000 đồng/kg. Tương tự, xoài keo vàng 99.000 đồng/thùng 13kg (khoảng 7.600 đồng/kg), xoài Úc, xoài Đài Loan giá rẻ như rau. Hay chuối tiêu hồng xuất khẩu được chào bán chỉ 5.000-6.000 đồng/kg, có nơi rao bán chỉ 3.000 đồng/kg, rẻ hơn giá một cốc trà đá Hà Nội. 

 

Hiện nhiều trái cây như bơ, chôm chộm, bưởi,... giá cũng siêu rẻ. Các loại bơ giá dao động 15.000-20.000 đồng/kg, nhãn có nơi bán 99.000 đồng/5kg, thanh long ruột đỏ 10.000 đồng/kg, ổi lê 50.000 đồng/10kg...

 

Ông Lê Thanh Tùng dẫn thông tin FAO cho hay, nhu cầu tiêu thụ trái cây ở nước ta khoảng 68-70 kg/người/năm. Với dân số hơn 96 triệu người và 15-16 triệu khách du lịch tạo ra sức tiêu thụ rất lớn, các địa phương không nên bỏ qua thị trường tiềm năng này.

 

Song ông cũng nhấn mạnh, ngay cả khi bán ở thị trường nội địa cũng phải nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, như vậy, mới có người mua và cạnh tranh được với trái cây nhập khẩu.

 

Các chuyên gia trong ngành nhận xét, nhiều đơn vị chỉ chú trọng xuất khẩu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu và ít quan tâm tới thị trường nội địa. Trong khi, trái cây nhập khẩu phong phú về chủng loại, giá cả không đắt hơn nhiều, hình thức lại bắt mắt nên thu hút người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu.

 

Theo Vietnamnet.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang