Song với quyết tâm cao, cùng sự chủ động, phối hợp với các ngành chức năng của địa phương, nhiều vụ việc đã được Chi cục QLTT Thanh Hóa kịp thời phát hiện và ngăn chặn, góp phần bình ổn thị trường, chống thất thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa cho biết, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo VSATTP vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp. Hàng ngoại nhập và hàng sản xuất trong nước cạnh tranh quyết liệt đã tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Trên tuyến biên giới đường bộ, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp, một số địa bàn được xác định là điểm “nóng” như các huyện: Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Hậu Lộc, trong đó có nhiều đối tượng vượt biên sang Lào mua ma túy vận chuyển bằng các đường mòn, vách núi về Việt Nam tiêu thụ. Đặc biệt, hoạt động vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, pháo các loại trên địa bàn tuyến biên giới biển vẫn âm thầm diễn ra. Các đối tượng móc nối với người dân địa phương tìm cách mua bán, vận chuyển vật liệu nổ vào khu vực biên giới, nhằm mục đích khai thác đánh bắt hải sản trên biển.
Là tỉnh lớn, địa bàn rộng, nên Thanh Hóa có thị trường tiêu thụ rất mạnh, vì vậy không chỉ hàng hóa hợp pháp, mà còn là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại nhắm đến, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, chủ yếu là hoạt động đo lường, chất lượng, giá, khuyến mại, bán hàng đa cấp. Cùng với đó, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn có chiều hướng gia tăng trong từng thời điểm.
Thanh Hóa là địa phương có dân số đông, với 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó 11 huyện miền núi có 637 xã, phường, thị trấn, hơn 60.000 cơ sở sản xuất kinh doanh và trên 8.000 doanh nghiệp, nhưng lực lượng QLTT chỉ có 20 đội, lực lượng rất mỏng so với địa bàn quản lý rộng, đối tượng kinh doanh lớn. Trước thực trạng đầy khó khăn, thách thức đó, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã nỗ lực tìm nhiều biện pháp, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm và gian lận thương mại…
Các đội QLTT thường xuyên theo dõi, điều chỉnh kịp thời mức tăng, giảm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đưa vào sổ, bộ theo dõi quản lý. Đồng thời rà soát, phân loại, tổng hợp danh sách các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh theo 25 nhóm hàng quan trọng, thiết yếu vào các file trên máy tính đã được Chi cục thiết lập, gửi cho các Đội QLTT để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát đạt hiệu quả. Đồng thời tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất, gia công, kinh doanh phân dúi, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với đó, Chi cục cũng đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch kiểm tra thường xuyên năm 2016, các kế hoạch kiểm tra chuyên đề, các phương án kiểm tra, kiểm soát. Tăng cường bám sát địa bàn, phối hợp điều tra, trinh sát, tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng, người dân và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể để tổ chức kiểm tra đột xuất theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đồng thời, vào từng thời kỳ, thời điểm cụ thể với sự chỉ đạo của cấp trên để xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra sát thực, hiệu quả. Kết quả, trong Quý III/2016, Chi cục QLTT đã kiểm tra hơn 1.600 vụ vi phạm, xử lý hơn 1.200 vụ với tổng số tiền thu được là 4.702,12 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Thanh Hóa cho biết: “Lực lượng QLTT Thanh Hóa tuy ít, phạm vi địa bàn quản lý rộng, có nhiều cửa khẩu và biên giới, đường bộ, đường biển…, song chúng tôi khắc phục điều đó bằng việc xây dựng những kế hoạch phối hợp liên ngành với lực lượng chức năng trong tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo 389, triển khai nhiều giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nhiều lĩnh vực như: Xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, hàng nông sản, công nghiệp và an toàn thực phẩm…, nhằm giữ vững và ổn định thị trường, góp phần chống thất thu ngân sách cho Tỉnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”.
Bước vào những ngày giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng cao, các cơ sở sản xuất đang ra sức khẩn trương hoàn thành kế hoạch năm, hoạt động thương mại và buôn bán diễn ra ngày càng sôi động. Đây là thời điểm mức luân chuyển hàng hóa rất lớn, giá cả gia tăng, song hành với đó, nhiều thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng tinh vi, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Để đáp ứng với nhiệm vụ trong tình hình mới, với vai trò là lực lượng nòng cốt chủ đạo trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Chi cục QLTT Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng và Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa quán triệt và đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, qua đó làm tốt công tác dự báo tình hình để có các biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vụ việc phát sinh, góp phần làm bình ổn, lành mạnh thị trường hàng hóa, xứng đáng là lực lượng tin cậy chủ đạo trong phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng của tỉnh.
Nguyễn Hoa