Thứ Sáu, 22/11/2024 20:56:43 GMT+7
Lượt xem: 2883

Tin đăng lúc 12-01-2017

Chỉ số giá tiêu dùng: Kiểm soát chặt từ đầu năm

2016 được đánh giá là năm thành công trong kiểm soát lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 4,74% so với tháng 12/2015. Với chỉ tiêu được giao cho năm 2017, tăng không quá 4% so với cùng kỳ, cần nhiều giải pháp kiểm soát CPI ngay từ tháng đầu năm.
Chỉ số giá tiêu dùng: Kiểm soát chặt từ đầu năm
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả và hàng hóa ngay từ những tháng đầu năm

Vượt mục tiêu CPI năm 2016

 

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước mới đây, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho rằng, thành công trong kiểm soát CPI năm 2016 có được do sự điều hành linh hoạt giá cả các mặt hàng.

 

Cụ thể, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh 4 lần (tháng 3, 8, 10 và 12) tại 36/63 tỉnh, thành phố. Để mức tăng của riêng nhóm này không tác động gây “sốc” đến CPI, năm 2016, mức tăng phí chỉ được áp dụng với các đối tượng có bảo hiểm y tế. Hoặc trong tháng 12, nhận thấy giá các nhóm hàng không tăng quá cao, 4 tỉnh, thành phố đã được điều chỉnh phí dịch vụ y tế.

 

Với giá xăng, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, ngày 20/12/2016, giá xăng dầu thế giới tăng cao và nếu điều chỉnh giá xăng trong nước tương ứng, mức tăng phải lên đến hơn 1.500 đồng/lít. Tuy nhiên, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã cho phép tăng mức chi sử dụng Quỹ bình ổn đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu tăng giá chỉ ở mức 919 đồng/lít xăng khoáng. Nhờ đó, dù trải qua 13 lần tăng giá nhưng mặt hàng này không tác động quá lớn vào CPI năm nay.

 

Kiểm soát chặt CPI

 

Bước sang năm 2017, chỉ tiêu Quốc hội giao là CPI tăng không quá 4% so với cùng kỳ. Bà Đỗ Thị Ngọc phân tích, đây là mục tiêu khá nặng bởi còn 27 tỉnh, thành phố chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế; giá dịch vụ giáo dục sẽ điều chỉnh vào tháng 9; giá xăng dầu dự kiến tăng khoảng 10%; giá nước sinh hoạt, điện và lương tăng theo lộ trình cũng sẽ tác động mạnh vào CPI.

 

Các chuyên gia cũng cho rằng, 3 tháng Tết là thời gian giá cả hàng hóa dễ tăng sốc nên cần kiểm soát ngay từ những tháng đầu năm để CPI không tăng quá cao, ảnh hưởng đến cả năm. Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương đã rốt ráo triển khai các chương trình bình ổn từ cách đây nhiều tháng.

 

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, nhiều DN lớn trên địa bàn đã cam kết sẽ ổn định nguồn hàng trong dịp Tết Đinh Dậu với mức dự trữ tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Năm nay, Chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thành phố triển khai, không sử dụng vốn ngân sách với 86 DN tham gia. Thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả và hàng hóa trên địa bàn.

 

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, Hà Nội đã thực hiện kết nối cung cầu với 50 tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa về Hà Nội, trong đó, đặc biệt chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Công Thương cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt giá cả các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu sử dụng cao trong dip Tết để bảo đảm DN không tự ý tăng giá. Đồng thời tổ chức 200 chuyến hàng Tết về ngoại thành, vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa:

Cần bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đồng thời điều hành giá linh hoạt, kịp thời, tránh tình trạng đầu cơ tăng giá. Kiểm soát giá tốt trong dịp này sẽ tạo tiền đề thực hiện mục tiêu CPI cả năm 2017.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang