Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang ở mức ổn định trong quý 2/2018 với 120 điểm %, cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, chỉ số lạc quan người tiêu dùng trung bình của toàn cầu là 104 điểm %, giảm 2 điểm so với quý 1/2018. Tuy nhiên, Việt Nam đã giảm xuống 1 hạng so với quý trước, trở thành nước thứ 5 lạc quan nhất toàn cầu.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn trong các quý gần đây kết hợp với sự cải thiện liên tục trong các chỉ số tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến sự tăng trưởng ở một vài ngành như du lịch, hoạt động giải trí và các sản phẩm công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, đa số người tiêu dùng Việt vẫn đặt mục tiêu tiết kiệm lên hàng đầu với tỷ lệ lên đến 70%. Việt Nam chỉ đứng sau Philippines khi nước này dẫn đầu toàn cầu vì có đến 71% người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm. Trong khi tỷ lệ tiết kiệm trung bình của toàn cầu chỉ ở mức 53%.
Trên toàn cầu, người tiêu dùng Đông Nam Á dẫn đầu khi nói đến tiết kiệm, và ý định này vẫn không thay đổi trong hai năm qua. Trong quý 2, Philippines là quốc gia có người tiêu dùng khao khát tiết kiệm nhất thế giới (71%), tiếp theo là Việt Nam (70%), Singapore (69%) và Indonesia (66%). Trung bình toàn cầu có khoản 53% người tiêu dùng sử dụng tiền nhàn rỗi vào việc tiết kiệm (+ 1% so với quý 1/ 2018).
Tuy nhiên, sau khi chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi tiêu cho các hạng mục lớn vì họ muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Gần một nửa người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ và du lịch chiếm 49%. Bên cạnh các kỳ nghỉ, 46% người tiêu dùng Việt Nam muốn chi tiền cho quần áo và các sản phẩm công nghệ mới. Ngoài ra, 43% người Việt muốn chi cho các hoạt động giải trí gia đình và 38% muốn chi tiêu cho việc nâng cấp, trang trí nhà cửa. Đáng chú ý hơn, ý định chi tiêu cho các gói bảo hiểm y tế tiếp tục tăng, ý định này đã tăng 3 điểm trong quý 2/2018 (41%, + 3% so với quý 1/ 2018).
Nguồn Báo Công Thương