Trong 10 tháng năm 2022, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục đạt những kết quả khả quan.
Cụ thể, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 9, thấp hơn một chút so với 52,7 điểm của tháng 8 nhưng vẫn báo hiệu mức cải thiện liên tục của các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất. Trong đó có 3 điểm nổi bật: Sản lượng tiếp tục tăng mạnh; Áp lực lạm phát đã giảm; Tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm tăng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), một số công ty bán được lượng hàng ít hơn dự kiến khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão gây mưa lớn nên một số ngành như khai thác khoáng sản, chế biến hải sản và một số ngành sản xuất sản phẩm khác sản lượng giảm... Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 ước tính chỉ tăng 3% so với tháng trước (công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,4%) và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, IIP ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%; khai khoáng tăng 5%, sản xuất và phân phối điện nước tăng 7,8%.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 31,5%; sản xuất trang phục tăng 19,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4%; sản xuất kim loại giảm 1,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 10 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước như: ô tô tăng 16,4%; xe máy tăng 7,9%; quần áo mặc thường tăng 10,7%; giầy dép da tăng 9,3%; thuốc lá bao các loại tăng 9%. Ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 10 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước như: quặng aptit giảm 14,4%; sắt thép thô giảm 15,3%; điện thoại di động giảm 5,1%; ti vi giảm 1,4%; giày dép da giảm.
Trong những tháng cuối năm 2022, nhằm ổn định và phát triển công nghiệp trong nước, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất bằng việc tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu; chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.
Theo Moit.gov.vn