Thứ Sáu, 22/11/2024 01:21:29 GMT+7
Lượt xem: 1602

Tin đăng lúc 08-07-2020

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục được duy trì, từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, đẩy lùi.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp

Tín hiệu tích cực

 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 0,74%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,20%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

 

Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,7%; chế biến, chế tạo tăng 13%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%.

 

Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc trong thời gian đầu năm 2020, tuy nhiên, nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Điển hình như, IIP của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 6 tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. “Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất của ngành tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2019 (3,5%). Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 19,28 tỷ USD, tăng 24,2%; mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 8,4%” - báo cáo nêu cụ thể.

 

Cơ hội trong những tháng cuối năm

 

Dự kiến, 6 tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Cụ thể, doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).

 

Tuy nhiên, điểm sáng được Bộ Công Thương đưa ra là việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Từ đó, tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.

 

Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, các quý còn lại của năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, sẽ phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...). Đồng thời, tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như dài hạn, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

 

Các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang