Năm 2019, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật -B1” của Việt Nam lên 2 bậc so với 2018 (từ 96/140 nước lên 94/140 nước) và tăng 10 bậc vào năm 2021 so với năm 2018 (từ 96/140 lên 86/140 nước) theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến 2021.
Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và ban hành văn bản pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật do WEF thực hiện dựa trên cơ sở tổng hợp ý kiến cảm nhận của doanh nghiệp thông qua trả lời câu hỏi khảo sát trực tuyến về mức độ tạo thuận lợi hay khó khăn trong việc tuân thủ các qui định pháp luật của quốc gia, từ đó làm phát sinh các chi phí hành chính, chi phí đầu tư và các chi phí khác như phí, lệ phí, chi phí rủi ro pháp lý, chi phí không chính thức… trong quá trình doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Các khoản chi phí này càng thấp thì càng thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo ông Sơn, trước năm 2019, chỉ số B1 của Việt Nam lên hay xuống vẫn do yếu tố tự phát. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 02/2019-NQ-CP, trong quý 1-2019, Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành Chương tình hành động cải thiện chỉ số B1, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện, giải thích rõ B1 là cái gì, nội dung ra sao, muốn cải thiện B1 thì bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… phải làm thế nào. Chẳng hạn như hướng dẫn việc cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện khâu quản lý, kiểm tra, kiểm soát… theo hướng giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Sau khi ban hành kế hoạch và các nội dung hướng dẫn, Bộ Tư pháp đã tổ chức truyền thông, tuyên truyền có hệ thống trên các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng thực hiện; tổ chức các hội nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho đại diện các bộ, ngành, UBND các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến công tác quản lý và thực thi pháp luật tham dự để nắm bắt, trao đổi các biện pháp triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức phổ biến các giải pháp, kinh nghiệm triển khai cải thiện B1 của quốc tế tới các đối tượng liên quan thông qua video phát trực tuyến để giúp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hướng dẫn thêm các biện pháp để các bên liên quan chủ động triển khai cải thiện chỉ số B1 có hiệu quả. Đồng thời, tổ chức đôn đốc rất sát sao việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số B1.
Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 4 đến tháng 11/2019), theo kết quả xếp hạng của WEF trong tháng 10/2019 vừa qua, chỉ số B1 của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tăng 17 bậc (từ 96/140 nước năm 2018 lên xếp thứ 79/141 nước năm 2019), đạt 3,4 điểm trên thang điểm tối đa là 7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP (chỉ tiêu năm 2019 để ra chỉ tăng 2 bậc).
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì kết quả này và cải thiện hơn nữa chỉ số B1 trong những năm tới, ông Sơn cho rằng, cần sự nỗ lực mạnh mẽ và quyết liệt hơn của Bộ Tư pháp cũng như cần có sự quan tâm vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, qua đó không chỉ cải thiện chỉ số B1 mà còn góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Báo Công Thương