Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mới được đưa ra đầu năm 2017 cho thấy, có khoảng 66% DN thường xuyên phải chi trả các khoản không chính thức, những khoản chi này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của DN. Theo phản ánh của các DN, từ trước tới nay, phần lớn DN đều cam chịu và tự giải quyết trong vấn đề bị thanh kiểm tra chồng chéo, hoặc nếu gặp khó khăn quá họ sẽ tìm cách thỏa hiệp, thỏa thuận, bôi trơn để vượt qua các cuộc thanh, kiểm tra đó. Một cuộc khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp cho thấy, gần 14% DN bị thanh kiểm tra 4 lần trở lên trong 1 năm, trong đó hơn một nửa DN cho rằng có những nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp nhau. Từ góc độ DN cho thấy, vẫn còn nhiều chồng chéo cả về nội dung và hình thức trong các cuộc thanh, kiểm tra, dẫn tới việc làm mất thời gian và nản lòng những DN làm ăn chân chính. Câu hỏi “Kiến nghị ai? Kiến nghị cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì?” đã khẳng định rõ sự cô đơn của các DN tư nhân trên con đường kinh doanh, khó khăn từ thương trường và những rào cản từ cơ chế, từ sự thiếu minh bạch của cơ quan công quyền.
Tại TP.HCM, chỉ ngay sau khi khai trương hoạt động, có những DN đã bị thanh tra, kiểm tra tới 9 lần/tháng. Anh Bùi Đăng Thiên – Giám đốc Công ty TNHH Liên hợp Thế Duy cho biết: “Tôi xin kiến nghị với các cơ quan ban ngành là nếu có kiểm tra thì nên thống nhất nội dung kiểm tra, đừng nên lặp lại. Ví dụ, các đoàn kiểm tra của Đội QLTT thuộc Thành phố và quận là hai đơn vị khác nhau, thế nhưng lại cùng kiểm tra về một vấn đề tại các thời điểm khác nhau, hoặc Đội PCCC của quận đến kiểm tra vấn đề này, sau đó lại đến Sở PCCC cũng kiểm tra về vấn đề đó, như vậy rất chồng chéo và làm mất thời gian của DN chúng tôi”.
Trên thực tế việc thanh, kiểm tra đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở nhiều lần thế nhưng không có chuyển biến tích cực, các đơn vị thanh tra đã được yêu cầu rà soát và có những văn bản hướng dẫn thực hiện luật thanh tra để vừa phòng ngừa sai phạm, vừa tạo điều kiện cho DN. Tuy nhiên, DN vẫn bức xúc, DN coi đó như là những “u, nhọt” của mình và mong muốn được loại bỏ càng sớm càng tốt.
Việc bị thanh, kiểm tra nhiều lần trong năm của DN đang là vấn đề nổi cộm và đã được Chính phủ quyết ngay với tinh thần “Nói đi đôi với làm” để tạo điều kiện cho DN phát triển. Chỉ thị 20 được ban hành xuất phát từ những mong muốn “tận đáy lòng” của các DN, 4.500 thủ tục cản trở, gây khó khăn cho DN bị bãi bỏ và xử lý; hơn 850 trong số hơn 1.500 kiến nghị của DN được giải quyết trong năm qua đã thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ với tinh thần “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” tới cộng đồng DN Việt Nam.
Nội dung của Chỉ thị 20 có sự quy định rõ ràng về trách nhiệm của các đơn vị cấp ngành, theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thanh, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN; đồng thời, sẽ xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Đây có lẽ là chỉ thị đặc biệt nhất từ trước tới nay vì nó được soạn ngay tại hội nghị đối thoại với DN và ký ban hành ngay khi Hội nghị kết thúc. Chỉ thị 20 nhằm khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, mà theo phản ánh, có những DN bị cơ quan thanh tra tới 3 lần/năm, thậm chí có doanh nghiệp một năm bị thanh tra, kiểm tra tới 11 - 12 lần. Điều này gây nhiều bức xúc, tăng gánh nặng chi phí và tốn kém thời gian, ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Thủ tướng cho biết, tinh thần của Chính phủ kiến tạo là phải xây dựng môi trường kinh doanh tốt, không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, mà còn phải đảm bảo an toàn vốn, tài sản của DN. Không chỉ có chi phi thấp mà rủi ro phải rất thấp. Không chỉ chống độc quyền mà còn chống buôn lậu, hàng giả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đó là môi trường mà nhà đầu tư, DN được hỗ trợ, vinh danh và bảo vệ, tao sự tin cậy vững chắc, để DN mở rộng và phát triển kinh doanh. Thủ tướng nhấn mạnh: "Những việc đã làm trong một năm qua thể hiện Chính phủ gãi đúng chỗ, không phải phải ngứa trên đầu mà gãi dưới chân".
Đánh giá về quyết định này của Thủ tướng Chính phủ, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, chỉ thị là một thông điệp mạnh của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ, yêu cầu các bộ máy chính quyền các cấp phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về kiểm tra, thanh tra DN. "Điều này thể hiện sự đồng hành, cảm thông của Thủ tướng đối với DN nhằm làm giảm đi sự phiền hà do các cơ quan nhà nước gây ra, giúp DN dành toàn bộ thời gian, nguồn lực để tập trung sản xuất, kinh doanh, phát triển. Đây là một tin vui lớn với cộng đồng DN", ông chia sẻ.
Chỉ thị 20 một lần nữa khẳng định, Chính phủ đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam, Chỉ thị được coi là bài toán khó thực hiện với địa phương và các ngành chức năng, song có thể coi đó là lời nhắc nhở nghiêm khắc để các cấp phải thực sự thay đổi vì sự lớn mạnh của DN và của cả nền kinh tế. Cùng với đó, việc giảm chi phí cho DN là vấn đề rất quan trọng, vì thế Chỉ thị sẽ tập trung tháo gỡ rào cản, giấy phép con, xóa bỏ lợi ích nhóm, giảm giá thành để DN có thể cạnh tranh sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 1,5 triệu DN, GDP chiếm 50%, và đến 2030 sẽ chiếm 60-65% GDP và có 2 triệu DN.
Nguyễn Hoa