Từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Cả vốn đăng ký lẫn vốn thực hiện đều đạt mức cao. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn những bất định thì tăng trưởng vốn FDI tại Việt Nam là rất đáng kể.
Cụ thể, đến nay tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD; vốn thực hiện đạt hơn 12,5% và vốn đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, dòng vốn FDI vào nền kinh tế Việt Nam ổn định. Các nhà đầu tư quốc tế coi nền kinh tế Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho đầu tư và quan tâm cho những đối thoại trong thời gian tới.
Phân tích xu hướng đầu tư từ số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể thấy, đang có sự dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất linh kiện điện tử, ô tô… Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của một số doanh nghiệp lớn. Đồng nghĩa là Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xu hướng đầu tư này dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, ông Choo Mongab - Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng và đang gia tăng các hoạt động thương mại cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàng hoá trung gian đang có nhu cầu lớn tại thị trường Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp lớn khác tại Hàn Quốc đang có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Điển hình, công ty TNHH Amkor Technology vừa nhận Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư với dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại Bắc Ninh. Dự án có mức vốn tăng thêm 1,07 tỷ USD nâng tổng vốn đầu tư lên 1,6 tỷ USD.
Bà Dorsati Madani cho rằng, trong dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao góp phần mang lại giá trị gia tăng thêm cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, một trong những điểm quan trọng mà Việt Nam cần cân nhắc trong trung và dài hạn là cung cấp nhiều hơn nguồn vốn con người có chất lượng cao hơn và cải thiện các dịch vụ “xương sống” như giao thông, viễn thông, năng lượng.
Bên cạnh đó, khi nói đến thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc cần thiết phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục, cải thiện khung pháp quy; số hoá, loại bỏ hồ sơ giấy để tăng cường hơn nữa hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt năng suất và khả năng cạnh tranh. Khung dữ liệu và cách thức quản lý dữ liệu nhằm đảm bảo liên thông tương hoạt giữa các cơ quan Chính phủ cũng có ý nghĩa quan trọng và cần đầu tư vào lĩnh vực này.
Chuẩn bị nguồn nhân lực qua đào tạo, có tay nghề, kỹ năng là một trong những nội dung cần được quan tâm nhất trong thời điểm hiện nay. Theo GS.TS. Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tuấn, chúng ta đang có tiềm năng đội ngũ lao động trẻ, năng động, có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh.
Vì vậy, trong 5 điểm chủ yếu nhằm thu hút nhà đầu tư “đại bàng” quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao, GS.TS. Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh đến việc liên kết các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp lớn để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Việc đào tạo này cần hướng đến chuẩn quốc tế để nguồn nhân lực trong nước không chỉ làm việc tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam mà còn có thể được luân chuyển, bố trí đến các nhà máy, văn phòng của doanh nghiệp trên thế giới dọc theo chuỗi cung ứng toàn càu của doanh nghiệp.
Cùng với đó, có những cơ chế chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa trong tạo môi trường hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực công nghệ.
Theo Diendandoanhnghiep.vn