Công nghiệp Việt Nam sẽ phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình hội nhập kinh tế nói chung, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ngành công nghiệp cần có nhận thức và những chính sách, giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, cần nhận thức hội nhập không phải là mục đích, mà là phương tiện để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Phải chủ động về mọi mặt và nhận biết cơ hội, vận hội mới, song cũng không ít thách thức, nghiệt ngã. Phải chủ động tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; chủ động nắm lấy thời cơ và đương đầu với những thách thức; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập, nhằm phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, hội nhập quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, trong chính sách hội nhập phải làm sao cho các doanh nghiệp trong nước mạnh lên, thực sự nâng cao năng lực, làm chủ quá trình hội nhập để cạnh tranh thắng lợi. Cần có cơ chế chính sách rộng mở hơn nữa nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế làm chủ thị trường nội địa, nâng cao năng lực nội sinh, đặc biệt đối với những lĩnh vực dịch vụ công nghiệp mà lâu nay còn hạn chế đối với các thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước.
Thứ ba, phải tập trung chuẩn bị tạo mọi nguồn nhân lực tốt cho hội nhập, vì đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công trong quá trình hội nhập. Cho đến nay, công việc này thực hiện còn chậm và chưa đồng bộ. Trong thời gian trước mắt cần vạch ra một chương trình tầm cỡ quốc gia, có mục tiêu và biện pháp thực hiện cụ thể, không chỉ đối với doanh nghiệp mà đối với cả hệ thống chính trị. Chính sách này cần phải cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực đối với từng ngành, từng lĩnh vực, trên cơ sở xác định lộ trình, mục tiêu cụ thể cho 5 năm và từng năm để triển khai thực hiện.
Thứ tư, cần sử dụng có hiệu quả các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, như là công cụ quản lý nhà nước chủ yếu, để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế. Thực tiễn cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước ta chưa thực sự gắn liền với các yếu tố chất lượng, hiệu quả và bền vững, mà điểm nổi bật là sự tồn tại của một cơ cấu kinh tế có sức cạnh tranh còn thấp, rất bất lợi khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, theo một “luật chơi” rất khắc nghiệt. Nền kinh tế nước ta cơ bản vẫn phát triển theo chiều rộng, trong đó nổi lên là nền công nghiệp chế biến, gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, do đó, tỷ trọng giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất có xu hướng giảm.
Ảnh minh họa
Với những nhận định như vậy, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiến trình hội nhập đã đặt ngành công nghiệp nước ta trước những thời cơ và thách thức lớn lao. Về cơ hội, đó là thị trường rộng mở, đó là cơ hội phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đó là tiếp cận các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với cơ hội tiếp cận thị trường của các nước khác, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam cũng phải chịu sức ép lớn do cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp của các nước khác. Chính vì vậy, trước hết cần từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Tiếp đến cần phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông, đồng thời tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có như vậy, sản phẩm công nghiệp của Việt Nam mới nâng cao được sức cạnh tranh trong thị trường thế giới và khu vực.
Con đường phát triển kinh tế của Việt Nam đã được khẳng định phải đi qua quá trình công nghiệp hóa bởi cả các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Nội hàm của quá trình công nghiệp hóa ở nước ta gắn liền với đòi hỏi thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp theo hướng vừa bảo đảm độc lập tự chủ vừa tích cực và chủ động hội nhập.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp thực hiện sự hội nhập đa dạng nhất, phức tạp nhất bởi do đặc trưng của tính chất tổ chức sản xuất công nghiệp. Một sản phẩm công nghiệp ngày nay là kết quả của sự phân công và hợp tác của nhiều doanh nghiệp, của nhiều quốc gia. Mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp sẽ cung cấp những chi tiết với chất lượng tốt nhất, chi phí thấp nhất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng. Từ đó, một chính sách công nghiệp vừa tăng tính độc lập, tự chủ, vừa chủ động hội nhập cần phải được xây dựng dựa trên một phức hợp các yếu tố tác động mà trước hết là từ sự phân công và định hình hợp tác trên phạm vi toàn cầu của công nghiệp, từ thực lực hiện hữu của nền công nghiệp nước nhà./.
Lê Dương Quang - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương