Các nội dung chính của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030
Các nội dung của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn và đồng bộ với những nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành về định hướng phát triển kinh tế (KT-XH) và KH,CN&ĐMST, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; kế thừa có chọn lọc các nội dung của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; bổ sung nội hàm “đổi mới sáng tạo” (ĐMST) để phù hợp với bối cảnh mới và tham khảo Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST của một số quốc gia…
Chiến lược thể hiện xuyên suốt, đồng bộ trong 5 nội dung chính, gồm: (i) Quan điểm phát triển KH,CN&ĐMST; (ii) Mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST; (iii) Định hướng chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST; (iv) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST; (v) Tổ chức thực hiện.
Về quan điểm phát triển KH,CN&ĐMST
Quan điểm của Chiến lược khẳng định những tư tưởng chủ đạo có tính nguyên tắc về phát triển KH,CN&ĐMST là căn cứ để thiết kế, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quan điểm với các nội dung khác của Chiến lược như mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và tổ chức thực hiện.
Chiến lược thể hiện 3 quan điểm, đó là: (i) khẳng định vai trò, vị trí và yêu cầu đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh; (ii) làm rõ việc phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực KH&CN, phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, ngành, vùng, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm; (iii) chỉ ra sự cần thiết phải kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài để phát triển KH,CN&ĐMST.
Các quan điểm của Chiến lược nhấn mạnh: Phát triển KH,CN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, trong đó tập trung phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, ngành, vùng với vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách của Nhà nước, đồng thời kết hợp hài hòa giữa năng lực nội sinh và ngoại sinh để phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST.
Về mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST
Các mục tiêu nêu trong Chiến lược xác định các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 và năm 2030 về phát triển KH,CN&ĐMST và đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH; là căn cứ xác định định hướng, nhiệm vụ, giải pháp và ưu tiên nguồn lực phát triển KH,CN&ĐMST; đây cũng là căn cứ quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược sau này.
Mục tiêu của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 kế thừa một số mục tiêu trong Chiến lược giai đoạn trước và bổ sung một số mục tiêu mới để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với phát triển KH,CN&ĐMST và phát triển KT-XH như: đóng góp của KH,CN&ĐMST vào tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp mũi nhọn, chỉ số ĐMST toàn cầu, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp... Chiến lược có mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược tập trung vào 2 nội dung chính: xác định vai trò và đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh; xác định mục tiêu về phát triển tiềm lực và trình độ của KH,CN&ĐMST Việt Nam.
Căn cứ vào mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể tập trung vào 2 nhóm:
Một là, các mục tiêu về đóng góp của KH,CN&ĐMST trong phát triển KT-XH: Cụ thể là đóng góp của KH,CN&ĐMST vào tăng trưởng kinh tế; phát triển công nghiệp mũi nhọn; phát triển văn hoá, xã hội, con người; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách.
Hai là, các mục tiêu về phát triển tiềm lực KH,CN&ĐMST: Các mục tiêu này hướng tới việc nâng cao Chỉ số ĐMST toàn cầu; tăng đầu tư cho KH&CN; phát triển nhân lực cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT); cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức KH&CN; thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, số lượng công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Về định hướng chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST
Định hướng của Chiến lược xác định ưu tiên trong phát triển KH,CN&ĐMST; là cầu nối giữa mục tiêu với nhiệm vụ, giải pháp; là cơ sở để phân bổ nguồn lực hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST. Chiến lược tập trung vào các định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng và còn dư địa lớn.
Đồng thời, Chiến lược xác định định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH,CN&ĐMST, trong đó đặc biệt nhấn mạnh định hướng KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển KT-XH bền vững, bao trùm, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp, đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; bổ sung định hướng hoạt động ĐMST, gồm cả định hướng ĐMST trong các ngành và các vùng KT-XH. Chiến lược gồm 04 nhóm định hướng:
Thứ nhất, định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH,CN&ĐMST: KH,CN&ĐMST tập trung phục vụ phát triển KT-XH bền vững, bao trùm, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; phát triển tiềm lực KH,CN&ĐMST; thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN.
Thứ hai, định hướng phát triển nghiên cứu khoa học: phát triển khoa học xã hội và nhân văn; phát triển khoa học tự nhiên.
Thứ ba, định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ: công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ chế tạo - tự động hóa; công nghệ biển; công nghệ phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; công nghệ năng lượng; công nghệ môi trường; công nghệ vũ trụ; công nghệ xây dựng, giao thông và hạ tầng tiên tiến, thông minh.
Thứ tư, định hướng hoạt động ĐMST: Tập trung vào các ngành: nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng, giao thông; dịch vụ và hoạt động ĐMST trong các vùng.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST
Nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược xác định rõ các công việc, hoạt động cụ thể cần thực hiện để đạt được mục tiêu và định hướng của Chiến lược; là căn cứ để theo dõi, giám sát việc thực hiện mục tiêu và tạo nền tảng để hình thành các chính sách cụ thể phục vụ triển khai Chiến lược. Nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở thông lệ quốc tế và đặc thù của hoạt động KH,CN&ĐMST của Việt Nam.
Các nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào giải quyết những hạn chế, rào cản, điểm nghẽn cốt lõi tồn tại thời gian dài, ảnh hưởng đến phát triển KH,CN&ĐMST ở nước ta, đặc biệt là những vấn đề quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, về cơ chế, chính sách như đội ngũ nhân lực KH&CN, quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KH&CN công lập, hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp, hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST. Chiến lược gồm 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể như sau:
Một là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới cơ chế hoạt động KH,CN&ĐMST, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST: tập trung vào tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình/mô hình kinh tế mới dựa trên KH,CN&ĐMST; đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật để khuyến khích, phát triển hoạt động KH,CN&ĐMST; đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động KH,CN&ĐMST của các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế.
Hai là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia: tập trung vào phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia; phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST quốc gia, ngành và vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; triển khai mạnh mẽ các nền tảng và mạng lưới ĐMST mở; tăng cường đầu tư tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH,CN&ĐMST thuộc các sở KH&CN.
Ba là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST: tập trung vào bảo đảm chi cho KH,CN&ĐMST từ ngân sách nhà nước hằng năm; tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế đối tác công - tư, hành lang pháp lý cho đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư cộng đồng, các nền tảng công nghệ số huy động vốn đầu tư...
Bốn là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh: tập trung vào hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập; sắp xếp thu gọn đầu mối hệ thống tổ chức viện nghiên cứu công lập; triển khai các chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là nguồn cung tri thức cho các hoạt động ĐMST; phát triển một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới...
Năm là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao: tập trung vào chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST trong tương lai; đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao; chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với đội ngũ nhân lực KH&CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực KH,CN&ĐMST.
Sáu là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KH,CN&ĐMST: tập trung vào tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển hệ thống phòng thí nghiệm mạnh; phát triển hệ thống tạp chí KH&CN trong nước đạt trình độ quốc tế; triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia.
Bảy là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp: tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ; cơ chế khấu trừ thuế thu nhập cho cá nhân, doanh nghiệp đối với khoản tài trợ cho hoạt động KH,CN&ĐMST; thúc đẩy hình thành và phát triển bộ phận nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép sử dụng kết quả KH&CN/tài sản trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp; phát triển thị trường KH&CN, các giải pháp thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Tám là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST: tập trung vào tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm KH&CN, triển khai các mô hình, giải pháp ĐMST, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm học hỏi, chuyển giao các mô hình quản lý về KH,CN&ĐMST tiên tiến; tham gia các liên minh nghiên cứu quốc tế về các vấn đề mới phát sinh; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các liên minh nghiên cứu quốc tế.
Chín là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về KH,CN&ĐMST: tập trung vào hình thành thêm các giải thưởng dành cho hoạt động ĐMST, doanh nghiệp có hoạt động ĐMST; khuyến khích, hỗ trợ thanh, thiếu niên nâng cao hiểu biết về KH&CN; quy định các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước phải truyền thông, phổ biến rộng rãi kết quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về doanh nghiệp có doanh thu tạo ra từ sản xuất - kinh doanh hình thành từ kết quả hoạt động KH&CN.
Về tổ chức thực hiện Chiến lược
Nội dung tổ chức thực hiện Chiến lược xác định vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; là căn cứ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá cũng như tập trung nguồn lực cho việc triển khai Chiến lược. Chiến lược xác định nhiệm vụ của một số bộ, ngành cụ thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn tới là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao.
Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030
Chiến lược là văn bản định hướng phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, do đó các nội dung trong Chiến lược mang tính định hướng, là cơ sở thống nhất chung cho việc xác định các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong các kế hoạch 5 năm phát triển KH,CN&ĐMST của quốc gia cũng như trong các văn bản định hướng phát triển KH,CN&ĐMST của các ngành, các cấp; là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể. Để triển khai Chiến lược, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Đối với các bộ, ngành, địa phương
Cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chiến lược trong phạm vi ngành, địa phương; đưa các chỉ tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST quốc gia vào nội dung chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương. Tại các địa phương, sở KH&CN đảm nhiệm vai trò tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong điều phối chung giữa các ngành nhằm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST và tăng cường gắn kết KH,CN&ĐMST với phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đối với các tổ chức KH&CN
Cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp có liên quan trong Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 của quốc gia vào chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm, hàng năm của tổ chức; căn cứ vào các định hướng ưu tiên phát triển KH,CN&ĐMST, xác định, xây dựng và bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST của tổ chức.
Đối với các doanh nghiệp
Căn cứ vào các định hướng ưu tiên phát triển KH,CN&ĐMST, xác định, xây dựng các định hướng phát triển KH,CN&ĐMST của doanh nghiệp; liên kết có trọng tâm, trọng điểm với các viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện các hoạt động KH,CN&ĐMST. Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực ĐMST và năng lực quản lý. Đây là 2 năng lực cốt lõi để cải thiện kết quả ĐMST và năng suất, chất lượng. Để nâng cao năng lực ĐMST và năng lực quản lý, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực học hỏi công nghệ, hệ thống sản xuất; nâng cấp công nghệ (đổi mới hoặc mua công nghệ được cấp phép); tăng cường áp dụng và phổ biến công nghệ; áp dụng các mô hình kinh doanh mới; cộng tác với các công ty đa quốc gia công nghệ cao, doanh nghiệp FDI thông qua liên kết hoặc hợp tác trong NC&PT; thúc đẩy hoạt động NC&PT tại doanh nghiệp cũng như mua kết quả NC&PT; hợp tác với viện nghiên cứu/trường đại học trong NC&PT và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo…
Doanh nghiệp cần tập trung vào đào tạo để phát triển kỹ năng ĐMST (kỹ năng về nhận thức, xã hội và ĐMST) cho người lao động; thu hút lao động có tay nghề cao từ các địa phương khác và từ nước ngoài; tăng cường quan hệ liên kết, hợp tác trong hoạt động NC&PT phục vụ doanh nghiệp; tăng cường liên kết về KH,CN&ĐMST giữa các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội tại địa phương…
Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KH&CN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được trình bày trong Chiến lược sẽ có tác động tích cực, phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển KH,CN&ĐMST và đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH của nước ta. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, đưa Việt Nam nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, đi tắt, đón đầu để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, thực hiện khát vọng phát triển thịnh vượng và hùng cường. Trong thời gian tới, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành KH&CN, mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Theo VietQ