Yêu cầu từ thực tiễn
Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giai đoạn 2006 - 2015, thương mại trong nước (TMTN) có tốc độ phát triển nhanh và liên tục. Trong đó, thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 2 con số, từ 596,2 nghìn tỷ đồng năm 2005 lên 3.186,67 nghìn tỷ đồng năm 2015, đóng góp trên 10% trong tổng sản phẩm quốc nội; hạ tầng thương mại nhanh chóng được cải thiện, nhất là hệ thống bán lẻ hiện đại… TMTN cũng thực hiện tốt vai trò kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày một sâu rộng, TMTN đang đối mặt với nhiều vấn đề. Ông Võ Văn Quyền phân tích: Doanh nghiệp (DN) FDI tham gia TMTN góp phần tổ chức lại thị trường nhưng sẽ tạo va chạm lợi ích với DN trong nước. Vì vậy, cần có chính sách phù hợp để vừa thực hiện cam kết, vừa bảo vệ DN trong nước. Cùng với đó, khi phát triển hình thức thương mại hiện đại sẽ xung đột với thương mại truyền thống nên chính sách hỗ trợ nâng cấp chợ truyền thống, hộ kinh doanh cá thể như thế nào cũng cần tính đến.
Về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho hay: Ở góc độ chính sách, không có rào cản nào đối với các nhà bán lẻ trên thị trường, tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn khác. DN bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn như thiếu mặt bằng, chất lượng nguồn lao động thấp, thiếu vốn, logistics và cơ sở hạ tầng yếu kém khiến tăng giá thành, lãng phí nguồn lực…
Định hướng cụ thể
Để giải quyết những vấn đề trên, trong Dự thảo “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Bộ Công Thương đã đưa những định hướng cụ thể. Theo đó, phát triển hạ tầng bán buôn theo hướng hiện đại, tương xứng với xu hướng phát triển theo không gian của các nguồn cung ứng; phát triển hạ tầng bán lẻ chú trọng tới xu hướng gia tăng áp lực cạnh tranh và thay thế của loại hình bán lẻ hiện đại với bán lẻ truyền thống; liên kết giữa cơ sở bán lẻ với cơ sở vui chơi giải trí; khả năng phát triển của phương thức bán lẻ qua điện thoại, internet và xu hướng thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Cho rằng chiến lược cần đặt mục tiêu ngắn hạn trong 10 năm tới với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, PGS-TS. Hoàng Thọ Xuân - chuyên gia kinh tế - nhấn mạnh: Việc hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất tới phân phối là yếu tố rất quan trọng, không chỉ giúp ổn định thị trường mà có thể kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm. Để làm được điều này, thay vì đầu tư dàn trải, nhà nước khuyến khích, đầu tư cho DN hạt nhân đứng ra làm trung tâm cung ứng vật tư - sản xuất - phân phối, đồng thời, cần liên kết các hộ kinh doanh, bán lẻ thành chuỗi cửa hàng tiện lợi mới có thể phát triển bền vững.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - góp ý: Trên địa bàn thành phố, các loại hình thương mại chưa phát triển đồng đều. Thương mại hiện đại tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, ở ngoại thành loại hình thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí có huyện không có siêu thị nào. Do đó, cần có giải pháp phát triển, quản lý đối với từng loại hình thương mại, nhất là những loại hình thương mại mới, trào lưu mới.
Nguồn Báo Công Thương