Nhiệm vụ này được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa được ban hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo Chính phủ trước tháng 12/2017 về các nội dung trên.
Đây cũng là chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng liên quan tới các điều kiện kinh doanh. Được biết, OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Theo các chuyên gia, OECD đã đặt ra tiêu chí chuẩn mực nhất về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, cuối tháng 7, xét đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gửi các báo cáo rà soát mới đây về điều kiện kinh doanh tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp.
Theo VCCI, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con). Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh.
Nhiều điều kiện kinh doanh được cho là bất hợp lý, không cần thiết, gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các Bộ xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8, trong đó có kiến nghị phương án xử lý cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 3/8 vừa qua, Chính phủ cũng dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề này. Thủ tướng cho rằng “giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy đã giảm.
“Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng nêu rõ.
Thận trọng với từng điều kiện kinh doanh
Không chỉ dừng lại ở các chỉ đạo mang tính định hướng, trên thực tế, thời gian qua Chính phủ cũng đã xem xét kỹ lưỡng các điều kiện kinh doanh trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn tại phiên họp Chính phủ vừa qua, có tới 2 dự án luật có đề cập tới các điều kiện kinh doanh.
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, Chính phủ đã thống nhất không quy định hộ kinh doanh thể thao phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện như với doanh nghiệp thể thao. Thay vào đó, chỉ quy định theo hướng hậu kiểm để tạo thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính cho hộ kinh doanh.
Cho ý kiến về dự thảo Luật An ninh mạng, một số thành viên Chính phủ cũng cho rằng cân cân nhắc rất kỹ về tính cần thiết, khả thi về các thủ tục hành chính mới phát sinh liên quan tới các quy định về kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng. Điều này liên quan tới phạm vi điều chỉnh của Luật.
Sau đó, tới ngày 8/8, trước các ý kiến của ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam rằng nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang trói buộc doanh nghiệp ngành logistics phát triển, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Nhận định về các chỉ đạo mới đây của Chính phủ và Thủ tướng liên quan tới các điều kiện kinh doanh, các ý kiến đều cho rằng điều này thể hiện tinh thần Chính phủ hành động.
Tín hiệu đáng mừng từ Bộ Tài chính
“Báo cáo này mới được VCCI công bố trong thời gian ngắn nhưng đã có phản hồi ngay, cho tôi niềm tin rằng Thủ tướng đang rốt ráo và Chính phủ sẽ có những hành động thực chất để xóa bỏ những rào cản đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Cũng hi vọng các bộ ngành liên quan sẽ đốc thúc thực hiện công việc này theo đúng tinh thần của Thủ tướng”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.
Một tín hiệu khác cũng rất đáng mừng, là mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất bãi bỏ toàn bộ Nghị định số 104/2007 về ngành nghề kinh doanh đòi nợ. Nếu đề xuất này được đồng ý, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ không còn phải đáp ứng hàng loạt điều kiện như vốn tối thiểu 2 tỷ đồng, người quản lý pải có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh…
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều đề xuất tương tự khác từ các bộ ngành. Trong khi, tại Diễn đàn Doanh nghiệp tư nhân mới đây, trước sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 65% doanh nghiệp cho biết điều họ mong muốn nhất là Chính phủ hành động, còn 24% chọn “liêm chính” và 11% chọn “kiến tạo”.
Kết quả nói trên đã được Thủ tướng nhắc lại tại phiên họp Chính phủ thường kỳ. “Tất nhiên liêm chính, kiến tạo họ cũng rất mong muốn, nhưng trước hết phải là hành động. Tổng Giám đốc ADB nói rằng “Việt Nam cần nâng cao chất lượng chính sách, vấn đề phản ứng chính sách kịp thời hơn và nhất quán về chính sách”. Đây là những yêu cầu người ta nói rất khách quan và nên tiếp thu”, Thủ tướng phát biểu với các thành viên Chính phủ.
Nguồn Báo Chính phủ