Thứ Ba, 26/11/2024 21:35:27 GMT+7
Lượt xem: 4362

Tin đăng lúc 26-11-2019

Chính phủ bảo đảm sự phát triển lâu dài, bình đẳng của đầu tư nước ngoài

Chính phủ Việt Nam tiếp tục nhất quán khẳng định: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Chính phủ bảo đảm sự phát triển lâu dài, bình đẳng của đầu tư nước ngoài
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn

Sáng 25/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Lễ khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á (Horasis 2019), diễn ra tại Thành phố mới tỉnh Bình Dương.

 

Đây là lần thứ 2 liên tiếp tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế có sự tham dự của 1.500 đại biểu ở trong và ngoài nước, là các chính khách, các nhà khoa học, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của khu vực và thế giới từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

 

Vươn lên tầm thế giới sau hơn 20 năm tái lập tỉnh Bình Dương

 

Diễn đàn năm nay là sự kiện trọng điểm nằm trong chuỗi sự kiện “Thành phố thông minh Bình Dương 2019”.

 

Tiến sĩ Frank Jurgen Richter, Chủ tịch Horasis đánh giá cao chiến lược đổi mới sáng tạo của tầm nhìn về công nghệ của Chính phủ, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia và người dân.

 

Tiến sĩ Frank Jurgen Richter cũng bày tỏ ủng hộ nỗ lực tham gia kết nối sâu hơn về kinh tế trong khu vực ASEAN của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác ASEAN với các đối tác lớn quốc tế và khẳng định ASEAN sẽ trở thành cộng đồng to lớn về xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của châu Á.

 

“Horasis hân hạnh được đồng hành với Việt Nam và cam kết hỗ trợ sự phát triển của ASEAN và Việt Nam”, Chủ tịch Horasis Frank Jurgen Richter nói.

 

Cùng với Horasis 2019 trong chuỗi sự kiện “Thành phố thông minh Bình Dương”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết địa phương cũng ra mắt Hệ thống đường dây nóng 1022 để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trong các lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp và xử lý hiện trường; khai trương Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đặc biệt là khởi công dự án Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương, một thành viên chính thức của Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới vào ngày 23/11 vừa qua.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm nêu rõ ý nghĩa của Diễn đàn Horasis đối với kết nối kinh tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại, góp phần để Bình Dương huy động nguồn lực quốc tế, phân bố lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn và vận dùng vào thực tiễn để thực hiện thành công mục tiêu đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh, mang lại lợi ích cho người dân.

 

Với các số liệu năm 2019, tỉnh Bình Dương thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá toàn tỉnh Bình Dương hiện có 3.745 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đăng ký 35,16 tỷ USD) và 42.050 doanh nghiệp trong nước (vốn đăng ký 355.740 tỷ đồng); kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ và khả năng liên kết vùng tốt; giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ phát triển tích cực. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh Bình Dương bước vào giai đoạn phát triển mới, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

“Sự phát triển năng động của Bình Dương đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước, đặc biệt, với việc triển khai thực hiện Đề án “Thành phố thông minh”, chúng ta kỳ vọng vào một thành phố Bình Dương thịnh vượng trong tương lai”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

 

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Becamex và Đại học Quốc gia Singapore về đổi mới sáng tạo

 

Chính sách đầu tư nước ngoài: Đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch

 

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn Horasis cũng như các tập đoàn quốc tế tới Bình Dương và Việt Nam để đầu tư. Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh thành công tại Việt Nam.

 

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... nhằm củng cố, hoàn thiện hơn khung khổ pháp luật, thể chế hóa Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị với mục tiêu: “Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác ĐTNN có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác ĐTNN. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030”.

 

Với mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nhất quán khẳng định: Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

 

Chính phủ đang tích cực xây dựng, hoàn thiện, thể chế chính sách về ĐTNN phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động thu hút, hợp tác ĐTNN có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

 

Chính phủ tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác ĐTNN và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

 

Để phát triển nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, bao trùm, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030 (dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), tầm nhìn 2045 (mốc 100 năm thành lập nước) để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát huy ý chí tự cường và khát vọng thịnh vượng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phấn đấu đến giữa thế kỷ trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

 

Theo Báo điện tử Chính Phủ

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang